FED: Mỹ cần triển khai thêm gói cứu trợ ứng phó dịch COVID-19
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 14:17, 10/08/2020
Đây là khuyến cáo của người đứng đầu Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh tại Chicago Charles Evans đưa ra trong trả lời phỏng vấn kênh CBS News ngày 9/8.
Trong chương trình "Face the Nation" của CBS News, ông Evans cho rằng các nhà lập pháp Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và các công động dân cư dễ bị tổn thương bằng các biện pháp đảm bảo họ đủ khả năng trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm chừng nào chưa kiểm soát được dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh một gói cứu trợ COVID-19 nữa là cực kỳ quan trọng.
Nhận định trên của ông Evans được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp thuộc hai phe Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ COVID-19 mới sau nhiều tuần đàm phán. Tuy nhiên, ngày 9/8, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố hai bên sẵn sàng bắt đầu các cuộc đối thoại mới về gói cứu trợ này.
Cả bà Pelosi và ông Mnuchin đều tỏ ra sẵn sàng cân nhắc một thỏa thuận hẹp hơn, theo đó gia hạn một số chính sách hỗ trợ người dân Mỹ cho đến cuối năm nay, và hai bên sau đó sẽ tiếp tục thảo luận các khoản khác vào tháng 1/2021.
Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington D.C., ngày 21/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN |
Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News, ông Mnuchin cho rằng không nhất thiết phải thông qua tất cả các điều khoản cùng một lúc, thay vào đó hai bên có thể thông qua một số điều khoản cần thiết mà hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Pelosi khẳng định một thỏa thuận đạt được giữa các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội và Nhà Trắng là cần thiết. Hiện tại, phe Dân chủ đề xuất gói cứu trợ 3.400 tỷ USD, trong đó 1/3 dành cho hỗ trợ các chính quyền địa phương và các bang, trong khi đó, phe Cộng hòa đề xuất gói cứu trợ 1.000 tỷ USD.
Theo bà Pelosi, phe Dân chủ có thể rút ngắn thời gian hiệu lực của gói cứu trợ thay vì kết thúc vào tháng 9/2021. Bên cạnh đó, hai bên còn tranh cãi về mức trợ cấp thất nghiệp 600 USD/người/tuần, vốn là một phần trong gói cứu trợ trước đó và đã hết hạn.
Phía Cộng hòa đề xuất giảm mức trợ cấp thất nghiệp xuống còn 200 USD/người/tuần, song phía Dân chủ cho rằng mức này là không đủ đối với người thất nghiệp và yêu cầu duy trì mức hỗ trợ cũ.
Trong khi đàm phán giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa bế tắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 đã ký 4 sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ người dân ứng phó tác động của dịch COVID-19. Theo đó, mỗi người Mỹ thất nghiệp được cấp 400 USD/tuần.
Các sắc lệnh còn lại bao gồm hỗ trợ khoản vay của sinh viên, gia hạn trả nợ tiền nhà và miễn nộp thuế tiền lương cho người có thu nhập dưới 100.000 USD/năm. Những sắc lệnh này có hiệu lực đến hết năm nay.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với tổng số ca mắc hơn 5 triệu và hơn 165.000 người tử vong.