Bộ TT&TT đề nghị Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thực hiện đúng nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý bảo chí toàn quốc đến năm 2025

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 19:23, 15/08/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản gửi Hội Khoa học kinh tế Việt Nam về việc triển khai thực hiện quy hoạch báo chí, trong đó nêu rõ “Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thực hiện chuyển đổi hình thức của pháp nhân Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam...”

Công văn số 3087/BTTTT-CBC về "triển khai thực hiện quy hoạch báo chí" do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo ký ngày 13/8/2020 gửi tới Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết: căn cứ đề nghị của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam tại các văn bản số 12/CV-2020-HKT, số 18/CV-2020-HKT, số 23/2020/HKT-CV, số 26/2020/HKT-CV về đề nghị cấp giấy phép hoạt  động Tạp chí Kinh tế Việt Nam (in và điện tử), trên cơ sở kế thừa một phần Thời báo Kinh tế Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép số 272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020 cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng ban hành Quyết định số 1072/QĐ-BTTTT ngày 26/6/2020 thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của Thời báo Kinh tế Việt Nam (in và điện tử) do thực hiện quy hoạch báo chí.

Sau khi được cấp phép hoạt động Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ngày 1/7/2020, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam ban hành Quyết định số 109-2020/QĐ-HKT về việc chấm dứt hoạt động báo chí và giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, tập thể người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam có đơn gửi các cấp lãnh đạo bày tỏ bất bình và không đồng ý đối với Quyết định số 109-2020/QĐ-HKT.

Công văn của Bộ TT&TT cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngày 3/8/2020, Cục Báo chí đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tập thể người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam, để trực tiếp lắng nghe, trao đổi về các nội dung liên quan việc chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

Sau khi nghiên cứu, xem xét, Bộ TT&TT đã nêu ý kiến cụ thể, trong đó có các nội dung:

Thứ nhất, theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, phương án sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.

Bộ TT&TT đề nghị Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thực hiện đúng nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý bảo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ hai, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thực hiện chuyển đổi hình thức của pháp nhân Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Chỉ đạo Tạp chí xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, phù hợp về cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm của Tạp chí, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

Thứ ba, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sớm xuất bản sản phẩm báo chí theo giấy phép hoạt động đã được cấp. Quá thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, Tạp chí Kinh tế Việt Nam không có sản phẩm báo chỉ xuất bản, Bộ TT&TT sẽ ra quyết định thu hồi.

Cùng ngày, Bộ TT&TT cũng có Công văn số 3088/BTTTT-CBC gửi tới Bộ Nội vụ xem xét về việc "hoạt động của Hội khoa học kinh tế Việt Nam". Bởi theo phản ánh tại cuộc họp ngày 3/8/2020, nhân sự lãnh đạo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam tuổi đã quá cao (Chủ tịch 94 tuổi, 2 Phó Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đều trên 80 tuổi và 2 Phó Tổng thư ký trên 70 tuổi). Đặc biệt, Ban Thường vụ Trung ương Hội được bầu từ năm 2006, hoạt động cho tới nay chưa tổ chức đại hội.

Bộ TT&TT cho rằng, nếu thực sự đúng như phản ánh, sẽ đặt ra câu hỏi về "tính chính danh" của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ quản báo chí. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

P.V