IFC hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương ứng phó đại dịch COVID-19
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 13:47, 24/08/2020
Cụ thể, khi đại dịch vẫn đang tiếp tục gây ra những cơn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu, IFC đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp trong khu vực – với trên 190.000 người lao động trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và năng lượng - với tổng giá trị tài trợ ứng phó COVID-19 đạt 554 triệu USD khi kết thúc năm tài chính ngày 30/6/2020.
Ngoài ra, IFC cũng cung cấp tổng hạn mức tài trợ thương mại ứng phó COVID-19 đạt 492 triệu USD cho các ngân hàng đối tác trong khu vực. Hoạt động này đã giúp các định chế tài chính cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thương mại, đặc biệt là các DNNVV.
Khoảng 17.500 doanh nghiệp siêu nhỏ, DNNVV và các công ty trong khu vực cũng là đối tượng hưởng lợi của chương trình Các Giải pháp Vốn Lưu động (WCS) trị giá 2 tỷ USD của IFC trong năm tài chính 2020. Mục đích của chương trình là hỗ trợ các ngân hàng tại các thị trường mới nổi cung cấp tín dụng để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm cho người lao động.
Dự án đầu tiên thuộc Chương trình WCS COVID-19 của IFC ở châu Á-Thái Bình Dương được ký kết tại Sri Lanka với Ngân hàng Thương mại Ceylon để hỗ trợ trên 1.200 DNNVV – gần 790 trong số đó do phụ nữ làm chủ - đương đầu với cuộc khủng hoảng.
“Những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp, để lại hậu quả dai dẳng đối với các nền kinh tế trong khu vực,” ông Alfonso Garcia Mora, tân Phó Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IFC cho biết. “Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như khu vực tài chính để các doanh nghiệp có thể tăng cường năng lực chống chịu trên con đường phục hồi hậu khủng hoảng”.
Chương trình WCS được thực hiện trong khuôn khổ Gói tài trợ nhanh COVID-19 trị giá 8 tỷ USD của IFC để ứng phó với tình trạng sụt giảm kinh tế toàn cầu, điển hình là sự đóng băng của ngành du lịch, sụt giảm thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng, và suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hay tại Việt Nam, ngay khi COVID-19 bắt đầu gây ảnh hưởng tại châu Á, IFC đã nâng hạn mức tài trợ thương mại cho bốn ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD - một sáng kiến ứng phó nhanh để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải. Sáng kiến này đã tài trợ trên 330 giao dịch xuất nhập khẩu của DNNVV trong nước với tổng giá trị trên 200 triệu USD.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, IFC đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn ở Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Ấn Độ, và Việt Nam. Hỗ trợ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – có từ 15.000 đến 5 triệu nông dân và DNNVV tham gia vào các mạng lưới chuỗi cung ứng của họ – sẽ giúp nâng cao thu nhập của người nông dân, đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp, và góp phần tăng cường an ninh lương thực.
Ông Garcia Mora cho biết, IFC hiện đang tập trung cho giai đoạn hai của chương trình ứng phó COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trong khu vực hướng đến phục hồi. Trong nỗ lực thúc đẩy các giải pháp phát triển khả thi trước những thách thức do COVID-19 đặt ra, IFC sẽ đẩy mạnh hợp tác với Ngân hàng Thế giới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào chiến lược kiến tạo thị trường mới bằng cách chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy dòng vốn đến với các dự án đầu tư hiệu quả tại các quốc gia chúng tôi đang có mặt, gỡ bỏ các rào cản để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân và tạo việc làm. Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng để thu hút nhà đầu tư ở những thị trường dễ bị tổn thương nhất”, ông Garcia Mora chia sẻ.
Năm tài chính 2020 cũng chứng kiến việc IFC tăng cường các hoạt động này và phối hợp với Ngân hàng Thế giới trong các dự án phức tạp có khả năng tạo ra các tác động sâu rộng để cung cấp điện cho hàng triệu người dân ở Afghanistan, Nepal, và Pakistan. IFC cũng cố vấn cho các chính phủ và khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính xanh bền vững và các vấn đề về giới, đến tổ chức các hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức ứng phó với các tác động của COVID-19.
Tính chung, IFC đã cam kết đầu tư 6,7 tỷ USD vào khu vực tư nhân ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính kết thúc vào 30/6/2020. Trong đó, 554 triệu USD tài trợ ứng phó đại dịch đến từ gói tài chính hỗ trợ khẩn cấp COVID-19. Gần một nửa khoản tài trợ này là dành cho các quốc gia được xếp vào nhóm nghèo, dễ tổn thương, và chịu ảnh hưởng của xung đột. Bên cạnh đó, IFC hỗ trợ khoảng 1,1 tỷ USD thương mại qua biên giới trong khu vực thông qua Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP).