Tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ của nhà nước cách mạng
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 12:34, 31/08/2020
Thời kỳ này, Nhà nước dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam vận hành ít chịu những tác động chi phối của các mối quan hệ quốc tế (Quốc tế Cộng sản đã giải tán, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa chưa hình thành, cách mạng Trung Quốc chưa thành công…).
Năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ một vai trò rất đặc biệt trong sự ra đời và hoạt động của Nhà nước dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 là một khoảng thời gian quá ngắn để lịch sử có thể phán định về bản chất của một Nhà nước. Nhưng thông qua hàng trăm sắc lệnh, chỉ thị, thư từ, lời kêu gọi, bài báo… của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đó cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào một số nội dung cụ thể về bản chất dân chủ của một Nhà nước cách mạng theo quan điểm của Người, đó là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước phải được “giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người” |
Trước khi tiếp nhận học thuyết Mác-Lênin và trở thành một người cộng sản, với tư tưởng thân dân và chủ nghĩa yêu nước truyền thống, trải nghiệm qua thực tiễn đời sống xã hội của nhiều nước Người đã đến, trong hành trang tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đồng cảm dân tộc đã dần chuyển nhập vào đồng cảm với những người cần lao và bị áp bức trên thế giới. Các quyền tự do dân chủ như: tự do báo chí và tư tưởng, tự do lập hội và hội họp, tự do cư trú ở nước ngoài và xuất dương, tự do học tập và mở các trường kỹ thuật… Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên trong Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam năm 1919 một số nội dung cụ thể về tính dân chủ của một nhà nước mà Hồ Chí Minh quan niệm.
Khi đã chọn được đường đi và quyết định dẫn dắt đồng bào theo con đường mình đã chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước phải được “giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người” và Nhà nước đó phải làm cho “dân chúng phải được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối.” (Nguyễn Ái Quốc: Đường cách mạng, 1927).
Từ năm 1920 đến năm 1945, trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng giành độc lập dân tộc ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một số nội dung cụ thể về nhà nước cách mạng.
Tháng 2/1930, trong Chính cương vắn tắt của Đảng do Người trực tiếp soạn thảo đã đưa ra 13 nội dung cụ thể về xã hội, chính trị, kinh tế của một nhà nước cách mạng.
Tháng 5/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương thành lập Mặt trận Việt Minh, với 38 nội dung về các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, công dân… công bố trong Chương trình Việt Minh, Người đã đề cập đến những nội dung cụ thể biểu hiện bản chất dân chủ của Nhà nước sẽ được thành lập sau khi giành được chính quyền.
Từ những nội dung cụ thể đưa ra trong Chính cương tháng 2/1930 đến Chương trình Việt Minh hoặc sau này, trong Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đề án nghị quyết Đại hội Quốc dân Tân Trào hay Tuyên ngôn của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tháng 8/1945, chúng ta thấy những nội dung đó biểu hiện một quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ của một nhà nước cách mạng, một Nhà nước sẽ thực hiện “những lẽ phải không ai chối cãi được” cho dân chúng số nhiều, đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. NXB Sự thật, HN 1983, tr.383).
Đảm bảo nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất
Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, năm đầu tiên của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam, bản chất dân chủ của nhà nước cách mạng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo đảm đời sống vật chất cho đông đảo nhân dân lao động. Nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất của con người là: ăn, mặc, ở. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do độc lập cũng không làm gì”. Vì vậy, Nhà nước cần “phải thực hiện ngay:
Làm cho dân có ăn
Làm cho dân có mặc
Làm cho dân có chỗ ở.”
(Báo Cứu Quốc, ngày 1/1/1946)
Năm 1945, hàng triệu nông dân miền Bắc chết đói. Sau Cách mạng tháng Tám, nạn đói vẫn tiếp tục đe dọa Nhân dân, cần có những biện pháp đảm bảo ngay cho Nhân dân nghèo khổ có ăn để không bị chết đói. Một ngày sau Lễ độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề cứu đói cho đông đảo dân nghèo là việc số một trong các việc cấp bách nhất mà nhà nước cách mạng cần phải làm ngay lúc đó. Đồng thời, Người đưa ra hai biện pháp đề nghị Chính phủ thực hiện: Một là, phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất; Hai là, trước mắt kêu gọi đồng bào cả nước, những người có ăn 10 ngày nhịn ăn một bữa, gạo tiết kiệm được giúp cho dân nghèo đang thiếu ăn.
Kế đó, ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đăng Báo Cứu Quốc thư của Người kêu gọi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, Người viết : “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo…”.
Ngày 8/11/1945, Người lại viết bài đăng trên Báo Cứu Quốc hô hào Nhân dân chống đói. Sau khi nêu một số cách chống đói mà mọi người, mọi nơi đều có thể làm được, Người viết: “Nói tóm lại, bất cứ cách gì, hễ làm cho dân đỡ đói lúc này và ngăn ngừa nạn đói mùa sau, chúng ta đều phải làm”.
Ngày 7/12/1945, trong thư gửi nông gia Việt Nam đăng trên Báo Tấc Đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người: “Hiện nay, chúng ta có 2 việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam…Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay”.
Chống thất học, mở mang dân trí cho toàn dân
Năm 1945, hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Với một thực trạng dân trí như vậy, về mặt chính trị - xã hội, làm sao người dân có thể thực hiện được các quyền dân chủ của mình. Và, về mặt kinh tế, làm sao đất nước có thể phát triển được. Là một Nhà nước của “dân chúng số nhiều”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự muốn Chính phủ có những biện pháp hữu hiệu để không ngừng nâng cao dân trí cho Nhân dân. Vì vậy, cũng ngay trong phiên họp đầu tiên, ngày 3/9/1945, Người đã đề nghị Chính phủ đặt nạn dốt của nhân dân là một vấn đề cấp bách thứ hai ngay sau nạn đói cần phải giải quyết và trước mắt mở một chiến dịch trong toàn quốc để chống nạn mù chữ.
Ngày 4/10/1945, Người cho đăng trên Báo Cứu Quốc lời kêu gọi quốc dân Việt Nam chống nạn thất học. Người chỉ rõ: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Ngày 4/5/1946, qua báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho anh chị em giáo viên bình dân học vụ. Trong thư Người viết: “Anh chị em chịu cực khổ, khó nhọc, hi sinh phấn đấu để mở mang trí thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc… Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”.
Cũng trong thời gian này, tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tự tay viết lời căn dặn anh chị em giáo viên bình dân học vụ vào đầu cuốn sách “Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ” do Nha Bình dân học vụ xuất bản, Người nhắc nhở anh chị em “tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết”.
Đó là một điều đáng lưu ý khi tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tìm hiểu bản chất dân chủ của Nhà nước cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh lịch sử tháng 9/1945 đặt Nhà nước cách mạng Việt Nam trước một tình huống muốn tồn tại phải vượt qua rất nhiều khó khăn nghiệt ngã. Vấn đề chống dốt cho nhân dân có thể lui lại làm sau. Nhưng, chính quyền của Nhân dân mà hơn 90% dân mù chữ nếu để kéo dài, tính Nhân dân và bản chất dân chủ của chính quyền cách mạng dễ bị chệch hướng. Nâng cao dân trí cho đông đảo nhân dân là một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho tính dân chủ của một Nhà nước được thực hiện. Là người trọng tư tưởng thân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước cách mạng làm ngay (chứ không phải sẽ làm) những việc thiết thực nhằm chống nạn thất học, mở mang dân trí cho “dân chúng số nhiều”u