SCIC tiếp nhận 36% vốn nhà nước tại Sabeco từ Bộ Công thương

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:49, 31/08/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 28/8, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về SCIC.

Theo biên bản bàn giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là 2.308.765.470.000 đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco. Số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 230.876.547 cổ phần.

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/06/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Sabeco là doanh nghiệp đầu tiên theo Quyết định số 908/QĐ-TTg chuyển về SCIC để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Tính đến thời điểm hiện nay, SCIC đã tiếp nhận 1.068 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 21.995,863 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, các công việc liên quan giữa Bộ Công thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành. Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng SCIC và đề nghị SCIC tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng bia B.G.I. Ngày 06/05/2003 Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới: Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ;Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.

Ngành nghề kinh doanh chính của Sabeco là sản xuất đồ uống; sản xuất, chế biến thực phẩm; mua bán các loại bia, cồn – rượu, nước giải khát, các loại bao bì, nhãn hiệu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và lương thực thực phẩm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp. Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tổng công ty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty CP (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 – Cty CP (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).

Doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8/2020 gồm 14 doanh nghiệp: Tổng Công ty CP xây dựng công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương), Cty CP Xây dựng và NK Tổng hợp (Bộ Công Thương), Cty CP Nông thổ sản Việt Nam (Bộ Công Thương), Tổng Công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công Thương), Cty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)…

Năm 2017, Công ty Vietnam Beverage thuộc tập đoàn Thaibev chi gần 5 tỷ USD mua lại 53,6% cổ phần tại Sabeco, với mức giá 320.000 đồng một cổ phiếu. Năm 2018, doanh thu thuần Sabeco tăng 5% và tiếp đà tăng trưởng trong 2019. Tuy nhiên, COVID-19 trong những tháng đầu năm 2020 đã tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 6 tháng đầu năm 2020 của Sabeco ghi nhận doanh thu đạt hơn 12.000 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận thuần sau thuế đạt hơn 1.900 tỷ đồng, giảm gần một nửa.

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán hôm nay (31/8), cổ phiếu SAB của Sabeco tăng 5,2% lên mức 191.500 đồng/cp, là mức tăng cao nhất kể từ hơn 1 tháng trở lại đây.

Minh Hoàng