Kế hoạch hành động mới của Ủy ban châu Âu để chống rửa tiền
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 14:31, 08/09/2020
Ủy ban châu Âu hồi tháng 5/2020 đã công bố kế hoạch hành động cho một chính sách liên minh toàn diện về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (Kế hoạch hành động).
Mục tiêu của kế hoạch là bịt các lỗ hổng và lấp các khoảng trống còn tồn tại trong hệ thống của EU nhằm chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CTF) cũng như loại bỏ bất kỳ mắt xích yếu nào trong sách quy tắc của EU.
Kế hoạch Hành động được xây dựng dựa trên sáu trụ cột chính.
Áp dụng hiệu quả các quy tắc của EU: Ủy ban đã khởi động các thủ tục nhằm xử lý các quốc gia thành viên không thông báo cho Ủy ban về các biện pháp chuyển đổi chỉ thị rửa tiền thứ năm (MLD5) thành luật quốc gia. Ủy ban cũng sẽ giám sát việc thiết lập các cơ chế tài khoản ngân hàng trung ương quốc gia cũng như đăng ký quyền sở hữu có lợi của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, Ủy ban khuyến khích Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) sử dụng đầy đủ các quyền lực mới của mình trong lĩnh vực AML/CTF, sau khi gia hạn ủy nhiệm liên quan vào tháng 1/2020. Điều này bao gồm cả việc điều tra xem các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên có hay không vi phạm các quy tắc của EU.
Sách quy tắc chung của EU: Hiện nay, các Quốc gia Thành viên đang thực hiện các quy tắc AML/CTF của EU theo nhiều cách khác nhau. Theo Ủy ban, môi trường lập pháp hiện tại còn phân tán, làm gia tăng chi phí cho các công ty hoạt động xuyên biên giới, nhưng cũng tạo cơ hội cho hoạt động kinh doanh chênh lệch giá theo quy định.
Theo Ủy ban, cần có sự đồng nhất hơn nữa để giải quyết những vấn đề này. Để đạt được mục tiêu đó, Ủy ban đề xuất biến một số quy tắc AML/CTF thành Quy định áp dụng trực tiếp, bao gồm các điều khoản liên quan đến danh sách các pháp nhân có nghĩa vụ, yêu cầu thẩm định khách hàng, kiểm soát nội bộ, nghĩa vụ báo cáo, đăng ký quyền sở hữu có lợi và cơ chế tài khoản ngân hàng trung ương cũng như nhận dạng của những người có liên quan đến chính trị. Ngoài ra, Ủy ban đề xuất mở rộng phạm vi của chế độ AML/CTF trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (cryptoasset) hiện nằm ngoài phạm vi của MLD5. Ủy ban sẽ đưa ra các đề xuất về một khuôn khổ EU đồng nhất hơn vào quý I/2021.
Giám sát ở cấp độ EU: Các vụ rửa tiền gần đây ở EU đã bộc lộ những thiếu sót đáng kể trong việc các ngân hàng kiểm soát quản lý rủi ro và sự giám sát của AML và các cơ quan có thẩm quyền. Hiện tại, trách nhiệm giám sát AML/CTF thuộc về mọi quốc gia thành viên và không có thỏa thuận hiệu quả nào để giải quyết các sự cố AML/CTF có yếu tố xuyên biên giới. Do đó, Ủy ban có kế hoạch trình bày đề xuất lập pháp về việc thành lập cơ quan giám sát AML / CTF cấp EU, vào quý đầu tiên của năm 2021. Vai trò này có thể được thực hiện bởi một cơ quan hiện có, chẳng hạn như EBA, hoặc một cơ quan mới chuyên biệt. Dù việc ủy thác vai trò này cho EBA có những lợi thế rõ ràng (đặc biệt là do được mở rộng ủy nhiệm trong lĩnh vực này) nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi phải cải cách đáng kể EBA.
Cơ chế phối hợp và hỗ trợ cho các Đơn vị Tình báo Tài chính của Quốc gia Thành viên: Ủy ban đã xác định được một số điểm yếu trong cách thức các Đơn vị Tình báo Tài chính (FIU) thực hiện các quy tắc AML/CTF , trong sự hợp tác giữa các đơn vị này cũng như giữa họ với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia và EU. Để giải quyết những lo ngại này, trong quý I/2021, Ủy ban sẽ đưa ra đề xuất về việc thành lập một cơ chế của EU để điều phối và hỗ trợ các FIU.
Thực thi các quy định của luật hình sự cấp độ EU và trao đổi thông tin: Ủy ban khuyến khích các quan hệ đối tác công tư nhằm tăng cường chia sẻ dữ liệu và trao đổi thông tin. Vì vậy, Ủy ban đã lên kế hoạch ban hành hướng dẫn có liên quan vào quý I/2021.
Vai trò toàn cầu của EU: EU sẽ tiếp tục nỗ lực đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến chống rửa tiền toàn cầu. Ủy ban nhấn mạnh rằng cần phải điều chỉnh cách tiếp cận của EU đối với các khu vực tài phán của nước thứ ba có rủi ro cao. Để đạt được mục tiêu này, song song với Kế hoạch Hành động, Ủy ban đã ban hành một phương pháp luận mới để xác định các quốc gia thứ ba có rủi ro cao có những khiếm khuyết chiến lược trong chế độ AML/CTF của họ. Ủy ban có kế hoạch thực hiện đúng cam kết các điểm hành động này vào đầu năm 2021.
Ủy ban đã khởi động một cuộc tham vấn công khai về Kế hoạch hành động của mình. Các bên liên quan có thể gửi phản hồi của họ trước ngày 29/7/2020.
Ủy ban châu Âu cũng công bố một danh sách các quốc gia mới mà Brussels cho rằng cần giám sát hơn nữa để hạn chế hoạt động rửa tiền. Danh sách được điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2020. Các công ty ở bất cứ quốc gia nào trong danh sách này sẽ bị cấm nhận tài trợ mới của EU.