Triển khai phòng, chống rửa tiền trong thời đại Fintech

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:36, 10/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ của Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố và đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Đến nay, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và đã được Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thừa nhận tại Hội nghị toàn thể FATF tháng 2/2014. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã từng bước được củng cố, phát triển.

Song song với các hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nước, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế về lĩnh vực này, đánh dấu bằng việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 34 của APG vào tháng 5/2007. Với tư cách là thành viên của APG, Việt Nam đã cam kết thực hiện các quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”, bao gồm: (i) Thực hiện các hành động cần thiết nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; (ii) Thực hiện các hành động, các bước tích cực, chủ động nhằm phát triển, thông qua và thực thi luật pháp và các biện pháp khác về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố dựa trên chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận; (iii) Nhận thức lợi ích của việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; (iv) Cam kết thực thi các quyết định của APG; (v) Cam kết tham gia vào chương trình đánh giá đa phương của APG và (vi) Đóng góp vào ngân sách của APG.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng, cùng với sự phát triển của công nghệ mới, đột phá đã đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp luật về phòng, chống rửa tiền hiện tại và trong tương lai.

Một báo cáo gần đây của PwC cho biết, có rất nhiều khó khăn được nhận diện từ việc triển khai công tác phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng trong khu vực, trong đó phải kể đến: Tình trạng ứng dụng phòng, chống rửa tiền vào công tác phòng, chống rửa tiền vẫn còn hạn chế; phân loại rủi ro khách hàng không hiệu quả; nhân sự giám sát giao dịch chưa đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp để sàng lọc, nhận diện và đưa ra các báo cáo giám sát giao dịch có chất lượng…

Ngoài ra, công nghệ không phù hợp cũng là một thách thức lớn, dẫn tới tình trạng dữ liệu kém chất lượng và thiếu hụt dữ liệu, các hoạt động giám sát giao dịch kém hiệu quả và không bao quát được đầy đủ mọi hoạt động.

Do đó, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, cần đến sự chủ động và tích cực tham gia của các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống. Ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers Việt Nam cho rằng, các ngân hàng Việt Nam cần tăng cường các chương trình nhận thức về phòng, chống rửa tiền ở các cấp, các bộ phận chức năng trong ngân hàng, truyền thông về tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền trong tổ chức, và trên hết là sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban lãnh đạo cấp cao và các chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm về rửa tiền trong tổ chức.

Không chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ để đảm bảo uy tín của ngân hàng, việc tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động và giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào các giao dịch thanh toán toàn cầu. “Muốn vậy, Ban lãnh đạo các ngân hàng cần chủ động đưa ra định hướng rõ ràng và giám sát chặt chẽ chức năng quan trọng này”, ông Grant Dennis nhấn mạnh.

Các hoạt động rửa tiền thường rất phức tạp. Do vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng. Mỗi ngân hàng riêng lẻ sẽ chỉ nhìn được một phần của bức tranh tổng thể mà thôi. Phải thông qua hợp tác với cơ quan quản lý và các ngân hàng khác thì bức tranh toàn cảnh mới được hé mở và công tác phòng, chống rửa tiền mới có thể nâng cao được hiệu quả.

Ngoài ra, một số thông lệ tốt về quản trị và một số giải pháp công nghệ mới, đột phá đang bắt đầu được triển khai tại các thị trường phát triển, như sử dụng công nghệ sinh trắc học để nhận biết khách hàng, hay tự động hóa quy trình người máy (robotic process automation) nhằm giám sát các giao dịch… sẽ giúp các ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề trên.

P.V