Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp phiên mở rộng

Tin tức - Ngày đăng : 14:12, 04/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 3/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra các nội dung theo thẩm quyền.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 của Bộ Công an; việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia và thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dữ trữ quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 của Bộ Công an, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được để lại từ năm 2011 đến năm 2014 để thực hiện 3 dự án của Bộ Công an gồm: dự án thành phần số 1 (Đầu tư dây chuyền thiết bị và phần mềm sản xuất hộ chiếu điện tử Việt Nam); dự án thành phần số 2 (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm phục vụ cấp phát, kiểm soát và quản lý hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Công an) thuộc Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”; và dự án “Xây dựng trụ sở làm việc Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Còn đối với việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc cho phép tỉnh Thái Nguyên được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư hết năm 2020 để thực hiện các công trình dự án trọng điểm của Tỉnh.

Danh mục các công trình, dự án được tỉnh phân bổ sử dụng từ nguồn để lại nêu trên phải thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; 2021-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định, đáp ứng đủ các quy trình, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cam kết và đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành trong cả giai đoạn 2017-2020, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm dành nguồn còn lại để thực hiện cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2025 theo dung Nghị quyết số 27 của Trung ương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, không sử dụng cho các mục đích khác.

Đối với việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, theo Tờ trình của Chính phủ, từ ngày 1/6/2019 đến ngày 31/5/2020, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ,  Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng số 23.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương  bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cu Ba.

Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện xong việc xuất cấp số gạo trên, kịp thời giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Căn cứ quy định của Luật Dự trữ quốc gia; trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất. Số kinh phí được bổ sung sử dụng để mua lương thực theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.

Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra tương lai, Chính phủ cho rằng việc bổ sung thêm nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết.

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu cơ bản tán thành với các Tờ trình của Chính phủ đồng thời xem xét, thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến căn cứ pháp lý, sự cần thiết của các nội dung Chính phủ trình, thẩm quyền quyết định, trình tự thủ tục, cân nhắc các tiêu chí, định mức trong chi tiêu ngân sách nhà nước.

Thu Trang