Cần “luật hóa” xử lý nợ xấu
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:19, 07/09/2020
Rủi ro nợ xấu gia tăng vì dịch bệnh
Xác định xử lý nợ xấu (XLNX) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nên trong 5 năm qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD tích cực XLNX bằng nhiều giải pháp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, cùng với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đã giảm xuống còn 1,86% tại thời điểm 31/5/2020. Tuy nhiên, thành quả XLNX cũng đang bị lung lay bởi đại dịch COVID-19.
Theo đánh giá của NHNN, dịch bệnh COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản, kết quả kinh doanh của TCTD, chất lượng tín dụng toàn Ngành có xu hướng giảm, nợ xấu đang gia tăng. Báo cáo phân tích mới đây của Fiin Group đưa ra con số đáng lưu ý: Tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,44% cuối quý 4/2019 lên 1,71% vào cuối quý 2/2020.
“Nếu không có việc cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn”, Fiin Group nhận định. Trong báo cáo cập nhật về ngành Ngân hàng vừa công bố mới đây, khối phân tích tại SSI Research đánh giá, nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. SSI Research ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019).
Đại dịch COVID-19 làm chậm lại tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng |
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng lo ngại, nếu dịch bệnh không sớm được ngăn chặn sẽ tác động khó lường đến tình hình hoạt động của DN, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của ngân hàng. “Nợ xấu hết thời gian cơ cấu lại có thể sẽ tăng mạnh. Nhìn vào báo cáo tài chính ngân hàng vẫn có lãi mấy nghìn tỷ, song thực tế số lãi này rất mỏng, nợ xấu dềnh lên một chút là lợi nhuận sẽ bị bào mòn”, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết.
Nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới nguy cơ tăng thêm, trong khi cơ chế XLNX hiện vẫn còn nhiều vướng mắc đã chất thêm khó khăn cho các ngân hàng. Hiện quy trình đòi nợ của ngân hàng thường phải trải qua các bước rất gian nan: khởi kiện dân sự, tòa xử và bàn giao tài sản cho ngân hàng rồi ngân hàng mới có thể nhận tài sản để xử lý, thu hồi nợ. Khâu nào trong quy trình này cũng đều gặp khó khăn.
Lãnh đạo một ngân hàng than thở, Nghị quyết số 42 có quy định trong Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải bao gồm Văn bản về việc bàn giao tài sản hoặc văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật... Căn cứ quy định nêu trên, các Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình XLNX, hầu hết các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác nên các ngân hàng không thể lập được văn bản bàn giao tài sản thế chấp mà phải tiến hành thu giữ theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42 và lập Biên bản thu giữ TSBĐ có sự chứng kiến của UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ. Ngân hàng đã đề xuất sử dụng Biên bản thu giữ thay cho Văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp nhưng không được Văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận. Từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua dù vất vả mới đấu giá thành công. Do không chuyển quyền sở hữu được, có những ngân hàng ngậm đắng khi vừa không bán được tài sản lại còn bị người mua kiện vì không thực hiện theo cam kết.
Cần “Luật hóa” Nghị quyết 42
Tại Agribank, bà Phượng cũng cho biết, con số vụ kiện dân sự mà ngân hàng này đang chờ tòa xử lên đến hơn 7.000. Đến ngày 30/6/2020, tiền thu nợ từ các khoản được xử lý dự phòng rủi ro của Agribank mới đạt 2.897 tỷ đồng, thấp hơn 1.105 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34% kế hoạch cả năm.
Một cơ chế mà ngân hàng mong mỏi là Nghị quyết 42 với quy định cho phép ngân hàng áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc xử lý thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án rất hạn chế. Đến thời điểm này mới ghi nhận 2 hồ sơ được tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn là của OCB và SCB. Còn lại các hồ sơ đều trong tình trạng đang chờ tòa xem xét thụ lý.
Đáng lo ngại nữa, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nhiều khách hàng đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các TCTD khiến cho quá trình XLNX càng khó khăn hơn.
Thực tế đó cho thấy sự thiếu đồng bộ của các bộ, ngành, cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các TCTD để xử lý, thu hồi nợ xấu. Thậm chí, tại một số địa phương, vẫn xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng… Giới chuyên môn đề nghị, cần sớm phải tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế. Nhất là cơ chế liên quan đến Nghị quyết 42 như quyền thu giữ TSBĐ, về đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu… TS. Cấn Văn Lực đề xuất, đã đến lúc phải tính đến việc ban hành luật riêng về XLNX để giúp cho tiến trình XLNX được đẩy nhanh hơn và triệt để hơn.
Đây cũng là mong mỏi của lãnh đạo VAMC khi trao đổi với phóng viên. Một trong những lý do chính khiến cho việc XLNX theo Nghị quyết 42 hiệu quả không cao, theo vị này do Nghị quyết chưa được luật hóa nên các chế tài chưa rõ ràng. Nhiều quy định tại Nghị quyết phải qua nhiều bộ luật thậm chí còn cao hơn cả Luật Các TCTD rất khó cho ngân hàng, VAMC khi thực thi.
Nhất trí với đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42, nhưng TS. Võ Trí Thành gợi ý thêm, áp lực nợ xấu ngày càng tăng dưới tác động của dịch bệnh, nếu đợi ban hành luật sẽ mất khá nhiều thời gian do liên quan đến nhiều luật. Thay vào đó, trong thời gian chờ ban hành luật, Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết riêng với quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan. Khi có chế tài mạnh hơn giao nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương nếu không hoàn thành sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn với Đảng, Nhà nước. “Nhưng vấn đề then chốt XLNX là sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cả cấp tỉnh và Trung ương”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.