Deloitte: 5 điều doanh nghiệp phải có trong trạng thái bình thường mới

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:42, 08/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khi các chính sách hỗ trợ do chính phủ đưa ra để đối phó với đại dịch kết thúc, có thể dự đoán trong ngắn hạn, rằng một số doanh nghiệp sẽ yêu cầu cơ cấu lại mô hình và nợ.

Theo một cuộc khảo sát trong ấn phẩm: "The SEA CFO Agenda" của Deloitte với các Giám đốc Tài chính thuộc đa dạng các ngành nghề khác nhau trên toàn Đông Nam Á (SEA CFO) vào quý II/2020, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các SEA CFO đã đánh giá rằng, sự kìm hãm và suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại toàn cầu và biến động tiền tệ là top 3 rủi ro ngoại sinh hàng đầu đối với doanh nghiệp.

Về rủi ro nội tại, cuộc khảo sát cho thấy sự gián đoạn trong sản xuất hoặc thị trường, sự thiếu hụt khả năng thực thi chiến lược, và quá trình triển khai công nghệ; là top 3 mối quan tâm hàng đầu của các SEA CFO.

Sau khi tham khảo ý kiến từ các CFO này, Deloitte đưa ra kết luận về 5 điều doanh nghiệp phải có trong trạng thái bình thường mới.

Mô hình kinh doanh mới

Khi các SEA CFO hướng về tương lai, họ nhận ra rằng: sự linh hoạt - khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường bằng các mô hình kinh doanh mới - là chìa khóa giúp đạt được lợi thế cạnh tranh.

Đối với hầu hết các SEA CFO, đầu tư vào các chiến lược đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các nhu cầu mới nổi.

Dù đang trong giai đoạn tung ra sản phẩm mới hay thanh lý các mặt hàng tồn kho thay thế, các SEA CFO cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường các kênh phân phối nhằm đáp ứng những đề xuất giá trị mới này. Cần nhiều kế hoạch để đạt được điều này thông qua nỗ lực hình thành các quan hệ hợp tác đối ngoại

Chuyển đổi số

Chuyển đổi mô hình kỹ thuật số không còn là yếu tố mới mẻ đối với các doanh nghiệp, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều SEA CFO nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của điều này trong vai trò đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.

Các công cụ phân tích ngày càng được chú trọng nhằm hỗ trợ tăng cường các hoạt động báo cáo, bao gồm dự báo lãi lỗ và dòng tiền, khi cả các giám đốc điều hành cấp cao (C-suite) và hội đồng quản trị đều yêu cầu được cập nhật thường xuyên.

Các giám đốc tài chính cũng ngày càng chú trọng việc thiết lập các tình huống giả định trong cuộc khủng hoảng này, từ đó tận dụng các thiết bị công nghệ và phân tích dự báo khi lập kế hoạch cho các tình huống cụ thể và mô hình hóa tác động của chúng đối với tỷ suất lợi nhuận.

Lực lượng nhân sự linh hoạt

Để đảm bảo rằng lực lượng nhân sự có thể hoạt động hiệu quả trong bối cảnh số hóa ngày càng lên ngôi và sự xuất hiện của các phương thức làm việc mới, các SEA CFO cũng sẽ cần phải kiểm tra lại các quan niệm hiện có của họ về nơi làm việc, lực lượng nhân sự - và thậm chí cả bản chất công việc.

Khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại, các SEA CFO nhận ra rằng, một số biện pháp thích ứng mà họ phải thực hiện không chỉ đáp ứng những thỏa thuận tạm thời mà còn là những thay đổi không thể đảo ngược và lâu dài trong cách họ thực hiện kinh doanh.

Khi làm việc từ xa ngày càng phổ biến hơn trong giai đoạn bình thường mới, các SEA CFO cũng sẽ thấy dễ dàng và thiết thực hơn trong việc nhanh chóng linh hoạt hóa quy mô, thành phần và chi phí của lực lượng nhân sự bằng cách tận dụng các nhân viên hợp đồng theo dự án và các nhóm làm việc từ xa. Cuối cùng, khi làm việc từ xa trở thành một chuẩn mực bình thường, các giới hạn về địa lý đối với người lao động sẽ biến mất và các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhân tài ở các địa điểm quốc tế mà không phải chịu gánh nặng hoặc phức tạp về chi phí di chuyển.

Các SEA CFO nên tận dụng yếu tố này để cân nhắc xem công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo AI có thể làm cho các hoạt động tài chính trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt và đổi mới hơn như thế nào

Khả năng quản lý rủi ro và mô hình an ninh mạng phản ứng linh hoạt

Ngoài việc cân nhắc về các mô hình báo cáo tài chính mới, các SEA CFO cũng cần chú ý đến sự xuất hiện của các rủi ro có phụ thuộc lẫn nhau. Trong một môi trường đầy biến động, việc mắc phải một rủi ro duy nhất cũng có thể dẫn đến một loạt những rủi ro tiếp theo với hậu quả hoặc tác động không lường trước được.

Nhiều người trong số họ đang xem xét một số tác động kế toán tiềm ẩn đối với công ty, áp dụng mô hình ghi nhận tổn thất phù hợp, đồng thời đánh giá lại khía cạnh nào của hoạt động kinh doanh sẽ sinh lợi nhiều hoặc ít hơn trong dài hạn.

Rủi ro về thanh khoản và tiền tệ luôn luôn là những vấn đề quan tâm hàng đầu. Mặc dù một số doanh nghiệp đã giảm được chi phí hoạt động khi chuyển sang bố trí nhân viên làm việc từ xa, các SEA CFO cũng đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để hạn chế thêm chi phí.

Với dự kiến ​​sẽ có nhiều biến động trong tương lai gần, các SEA CFO cũng xác định cần thiết phải theo dõi và cẩn trọng đối với các hoạt động kiểm soát nội bộ, cũng như đề phòng rủi ro gian lận và an ninh mạng.

Tái cấu trúc và mua bán - sáp nhập

Khi các SEA CFO hướng tới tương lai, sự kết hợp giữa chiến lược tái cấu trúc và mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ xuất hiện khi doanh nghiệp nỗ lực bảo vệ các thị trường hiện tại, đẩy nhanh quá trình phục hồi và định vị thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường.

Khi các chính sách hỗ trợ do chính phủ đưa ra để đối phó với đại dịch kết thúc, có thể dự đoán trong ngắn hạn, rằng một số doanh nghiệp sẽ yêu cầu cơ cấu lại mô hình và nợ.

Với sự xuất hiện của các hành vi tiêu dùng mới và các hoạt động thương mại điện tử gia tăng trong thời kỳ đại dịch, hàng tiêu dùng là một trong những ngành dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​các hoạt động mua bán - sáp nhập gia tăng. Do đó, điều này cũng có thể có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực công nghiệp liền kề khác, chẳng hạn như các nền tảng thanh toán và các công ty công nghệ tài chính (Fintech).

H.S