Bộ Công an cảnh báo ứng dụng MyAladdinz huy động vốn trái phép

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 10:19, 09/09/2020

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với ứng dụng MyAladdinz để tránh bị lừa tiền do có dấu hiệu huy động vốn và kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp.

Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, trên mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video clip quảng cáo về ứng dụng MyAladdinz trên nền tảng điện thoại thông minh, nhằm lôi kéo người dùng tham gia ứng dụng. Qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an xác định phần mềm MyAladdinz (hay còn gọi là App MyAladdinz) hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet.

MyAladdinz cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống đồng Gem (viên Ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống App này, chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống của MyAladdinz. 

Cụ thể: Những ai muốn tham gia và tạo tài khoản trên ứng dụng thì bắt buộc phải có người giới thiệu. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì khách hàng có thể nạp Gem (01 Gem = 01 USD) vào tài khoản (tối thiểu lần đầu phải nạp là 100 USD tương đương với 100 Gem). Các đối tượng quảng bá, người dùng còn có thể sử dụng đồng Gems để thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… trong tương lai; và có thể được hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn (quy đổi bằng điểm Point trên hệ thống) khi thực hiện một giao dịch; thanh toán càng nhiều dịch vụ trên App thì càng được hoàn trả nhiều điểm Point. Dựa trên số điểm tích lũy của mỗi khách hàng, hệ thống hứa hẹn mỗi ngày, người tham gia đăng nhập App sẽ được cộng quy đổi 0,2% điểm Point thành đồng Gem, để từ đó tiếp tục mua sắm, giao dịch sản phẩm trên App.

App MyAladdinz hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép

Ngoài ra, hệ thống còn kêu gọi người tham gia giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống để được hưởng hoa hồng. Cụ thể, nếu kêu gọi được một người tham gia vào App MyAladdinz, thì App sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số Gem người sau đóng tham gia hệ thống. Người tham gia cũng có thể giới thiệu cửa hàng vào bán hàng trên hệ thống. MyAladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % và theo cấp bậc, tối đa có 15 cấp bậc.

Đây là hình thức trả thưởng, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công Thương cấp phép.

Bộ Công an khuyến cáo hiện tại Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Phần mềm MyAladdinz do một nhóm đối tượng có tên “Success Resources” xây dựng và phát triển như một sàn thương mại điện tử tích điểm cho người tham gia, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Hệ thống chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Nhà đầu tư cũng chỉ được MyAladdinz trả lãi bằng tiền “Gem ảo” và “Point ảo”; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “Gem ảo” và “Point ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán, thanh khoản được ra ngoài hệ thống. Như vậy, người dân, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của MyAladdinz. Do đó, cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản...

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai đấu tranh, xử lý quyết liệt các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Các tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. 

MyAladdinz chia mức thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % và theo cấp bậc, tối đa có 15 cấp bậc.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đa có khuyến cáo người dân về các ứng dụng “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback) khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Thực chất của mô hình cashback là mô hình thương mại điện tử B2C kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Lý do để các doanh nghiệp/nhà cung cấp dịch vụ hoàn tiền cho người tiêu dùng là muốn mở rộng hệ thống khách hàng, việc hoàn tiền là cách để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ. Đồng thời chiết khấu/hoàn lại một phần tiền hoa hồng cho khách khi họ mua sắm sản phẩm, dịch vụ khi giới thiệu cho người tiêu dùng khác.

Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cashback thời gian gần đây nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện hiện đại. Tuy nhiên, nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng cashback được “vẽ” là luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn từ 80% tới 100% hoặc thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tế việc “hoàn tiền” với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05% - 0,1%/ ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.

M.H