Các công ty công nghệ tài chính châu Âu "hướng Đông" tìm cảm hứng
Công nghệ - Ngày đăng : 09:37, 12/09/2020
Khi các doanh nghiệp từ London đến Lahore đóng cửa hồi tháng Tư, các nền kinh tế trên khắp thế giới đã "rơi tự do". Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối toàn cầu có thể giảm 20% vào cuối năm nay.
Khi lượng kiều hối chỉ giảm 6% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, dự báo này là đáng lo ngại, do những lĩnh vực đang chịu tác động mạnh nhất từ dịch COVID-19 là những lĩnh vực phụ thuộc nhiều nhất vào lao động di cư.
Tuy nhiên, khi lượng kiều hối được gửi từ các cửa hàng trên các phố lớn giảm mạnh và dừng hoàn toàn trong giai đoạn đỉnh điểm thực hiện các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, lượng kiều hối được gửi trực tuyến đã bùng nổ. Một thế hệ khách hàng ở châu Âu đang chuyển sang sử dụng các cách thức chuyển tiền ra nước ngoài nhanh hơn và rẻ hơn chỉ qua điện thoại thông minh.
Các biện pháp phong tỏa đã đẩy nhanh việc chuyển từ gửi tiền trực tiếp tại quầy sang gửi trực tuyến với tốc độ chưa từng có, khi các cửa hàng và văn phòng chuyển tiền đóng cửa. Với Azimo, dịch vụ chuyển tiền trực tuyến, lượng khách hàng mới hàng tháng tăng khoảng 50% so với mức trước khi bùng phát dịch.
Ảnh minh họa |
Lượng tiền trung bình được gửi về Philippines, thị trường kiều hối chủ chốt tại châu Á, tăng 20%. Lượng tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng ở Philippines tăng gấp đôi trong những tháng đầu tiên áp dụng các biện pháp phong tỏa, khi số khách hàng chuyển từ việc gửi tiền mặt tại quầy sang gửi tiền trực tuyến gia tăng.
Tuy nhiên, xu hướng đó không chỉ diễn ra với kiều hối. Nhiều công ty công nghệ tài chính ở châu Âu như Onfido cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19. Điều này có thể tạo bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ tài chính ở châu lục này một cách phổ biến theo cách của châu Á.
Trong hai năm qua, lượng khách hàng châu Á sử dụng các dịch vụ công nghệ tài chính đã tăng hơn hai lần. Theo chỉ số tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính toàn cầu EY, tỷ lệ này đạt 67% ở Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), và 58% ở Australia. Tại Trung Quốc, mức độ sử dụng là 87%. Mỹ tụt lại sau với chỉ 46%.
Có thể đây là lần đầu tiên, các công ty công nghệ tài chính của châu Âu đang "hướng Đông" để tìm cảm hứng ở châu Á, thay vì "hướng Tây" về phía Thung lũng Silicon. Đây có thể là điều đúng đắn, khi châu Âu đang có điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Mỹ để tiếp bước châu Á trở thành khu vực mạnh về công nghệ tài chính. Với tỷ lệ sử dụng là 71%, Anh ở rất gần Trung Quốc.
Không chỉ người tiêu dùng được lợi khi sử dụng công nghệ tài chính. Khi các nền kinh tế trên khắp châu Âu rơi vào suy thoái, tất cả những nỗ lực là cần thiết để giảm rào cản đối với thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.