Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng làm việc với tân Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:07, 14/09/2020
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN chúc mừng ông Andrew Jeffries được chỉ định làm Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Thống đốc Lê Minh Hưng mong muốn với vai trò là Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp và hoạt động phù hợp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác lâu dài giữa Việt Nam – ADB.
Phát biểu cảm ơn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao NHNN với tư cách là đại diện của Việt Nam tại ADB đã luôn làm đầu mối, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước. Bên cạnh đó, ông cũng rất ấn tượng với những thành tích, kết quả đáng tự hào mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại buổi làm việc |
Nhận định về kinh tế Việt Nam ông Andrew Jeffries cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 hiện được dự báo thấp hơn so với hồi đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương và cao trên thế giới. “Tôi có thể khẳng định Chính phủ Việt Nam đã duy trì rất tốt việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của NHNN”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Andrew Jeffries cũng cho biết, trong thời gian tới ADB mong muốn mở rộng hoạt động khu vực tư nhân ở Việt Nam, không chỉ ở trong các lĩnh vực truyền thống như phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính... mà còn mở rộng, tăng cường vốn cho các lĩnh vực phi truyền thống, phi cơ sở hạ tầng như nông nghiệp, giáo dục...
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định: “Trong từng bước xây dựng ADB sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành tại Việt Nam, đặc biệt là NHNN nhằm xây dựng Chiến lược có hiệu quả và tính thực thi cao”.
ADB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và cung cấp nguồn tài chính và các nguồn lực khác để hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng tài chính, ADB sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ để phát triển thị trường tài chính và tài chính toàn diện…
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc |
Trao đổi tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN cho biết, nhờ các biện pháp quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân cả nước, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và khôi phục trạng thái kinh tế bình thường mới. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, tín dụng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
NHNN đánh giá cao ADB đã tăng quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 20 tỷ USD cùng với các điều chỉnh về chính sách và quy trình xét duyệt để hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt cho các quốc gia thành viên trong công tác ứng phó với các tác động của dịch COVID-19. Đây là nguồn lực hỗ trợ rất cần thiết và kịp thời để các nước thành viên ADB phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế.
Đối với Việt Nam, NHNN đánh giá cao những hỗ trợ của ADB cho công tác ứng phó với dịch COVID-19 tại Việt Nam như: Tái cơ cấu khoản viện trợ thuộc Khoản vay Chương trình Phát triển hệ thống chăm sóc y tế cơ sở và cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại cho Bộ Y tế để hỗ công tác phòng chống dịch COVID-19; huy động khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ nguồn Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ ứng phó với các tác động của dịch COVID-19.
Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Đây là khoản viện trợ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các DNNVV do phụ nữ làm chủ mà còn đối với NHNN nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng trong việc hỗ trợ triển khai thành công các giải pháp trong Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN về việc khuyến khích các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.”
Trong thời gian tới, NHNN đề nghị ADB tiếp tục phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án đã đàm phán, ký kết và tiến độ đàm phán, ký kết các chương trình, dự án trong danh mục 2020-2021 để tạo ra nguồn lực tài chính đáng kể để thúc đẩy đầu tư công và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi do tác động bất lợi của dịch COVID-19. Tìm kiếm các nguồn ủy thác từ các tổ chức trong khu vực và trên thế giới để cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và các cơ quan chính phủ nhằm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam…
Ngoài ra, Thống đốc NHNN mong muốn ADB tiếp tục chia sẻ kịp thời các thông tin về kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực; phối hợp chặt chẽ với NHNN triển khai các hỗ trợ kỹ thuật đã cam kết trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính vi mô, tài chính toàn diện, tài chính xanh, phòng chống rửa tiền, tăng cường tiếp cận tín dụng cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ, khoản viện trợ khắc phục hậu quả COVID-19 và các hỗ trợ kỹ thuật khác.