Dữ liệu giúp các doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi sau đại dịch
Công nghệ - Ngày đăng : 16:23, 15/09/2020
Báo cáo Sailing Against the Wind (tạm dịch “Vượt sóng lớn”) nghiên cứu các tình huống điển hình ở 6 lĩnh vực với các chủ đề khác nhau tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm kinh doanh nhà hàng - phân cụ hiệu suất; tài chính - điểm chuẩn theo từng giai đoạn; bán lẻ - phân khúc tiêu dùng; làm đẹp và chăm sóc sức khỏe - mô hình hóa xu hướng; du lịch - tham số giá vé và hoạt động của chính phủ - phân tích chi tiêu.
Mỗi nghiên cứu đến từ một quốc gia khác nhau ở châu Á, mang đến những sắc thái khu vực khác nhau mà không ảnh hưởng đến khả năng áp dụng rộng rãi của chúng. Bài học quan trọng của “chèo thuyền ngược gió” hiệu quả đòi hỏi phải có dữ liệu tốt. Và kết quả tốt nhất sẽ đến từ các nhóm, những người có thể áp dụng dữ liệu đó vào thử thách trước mắt bằng cách khai thác sức mạnh của phân tích theo những cách thực tế và sâu sắc.
|
Báo cáo đã làm nổi bật các chiến thuật hiệu quả để khai thác sức mạnh của phân tích, bao gồm phân nhóm hiệu suất, đo điểm chuẩn theo giai đoạn và phân khúc. Các ví dụ cụ thể còn được kết nối với các chủ đề rộng hơn cho từng ngành về cách sử dụng dữ liệu, công cụ và kiến thức chuyên môn phù hợp để hiểu tác động của cuộc khủng hoảng, từ đó đưa ra các chiến lược ứng phó.
Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính với chủ đề điểm chuẩn theo từng giai đoạn, Báo cáo nêu tình huống điển hình: Doanh thu tín dụng tiêu dùng của ngân hàng B đã giảm gần 1/3 so với doanh thu được kỳ vọng trước khi đại dịch xảy ra. Sự sụt giảm này là do giảm chi tiêu đa quốc gia và chi tiêu phát sinh, số dư quay vòng giảm do chi tiêu giảm và tạm thời ngừng thanh toán hoặc khoá thẻ tín dụng.
Hoàn cảnh của ngân hàng B không phải là duy nhất ở châu Á hay trên thế giới. Vào tháng 4/2020, gần 50% số người tiêu dùng tại quốc gia mà ngân hàng B hoạt động chịu ảnh hưởng tiêu cực về tài chính, 75% người tiêu dùng cho rằng COVID-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến tài chính trong tương lai và 80% đã hoãn các giao dịch có giá trị lớn. Đây là mức cao nhất tại châu Á.
Trước tác động của COVID-19, một số quốc gia ở châu Á và châu Âu đã cảm nhận được tác động sớm hơn, và các ngân hàng tại các nước này đã có những bước đi trước xu hướng. Trên cơ sở dữ liệu thực tế và thu thập được từ kinh nghiệm của các ngân hàng đi trước, Ngân hàng B đã quyết định sử dụng các quốc gia đó làm điểm chuẩn trên các lĩnh vực chiến lược khác nhau gồm: thương mại điện tử; hiệu quả vận hành; an ninh mạng và rủi ro tín dụng; thanh toán không tiếp xúc; sức mạnh của kỹ thuật số; mua lại công ty; kế hoạch tăng trưởng dài hạn dựa trên dự đoán hành vi tiêu dùng sau đại dịch.
Trong 3 giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, ngân hàng lên kế hoạch phản ứng tức thì và có những điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Trọng tâm ngắn hạn là kích thích và hỗ trợ sự chuyển dịch sang thương mại điện tử. Ngân hàng B tập trung vào các ngành đang phát triển như chăm sóc cá nhân hay cửa hàng tạp hóa trực tuyến, đi cùng với các chương trình khuyến mãi xuyên biên giới để thu hút nhiều người lao động ở nước ngoài. Việc cải thiện tỷ lệ ủy quyền thẻ, gia hạn thời hạn thẻ tạm thời và chấp nhận thẻ ghi nợ trực tuyến nhiều hơn giúp hỗ trợ hoạt động vận hành của ngân hàng. Trong khi đó, các chính sách an ninh mạng được cập nhật giúp đương đầu với tình trạng gia tăng của tội phạm mạng cùng với sự chuyển dịch của không gian trực tuyến. Đối với những chủ thẻ có nguy cơ phạm lỗi lần đầu, ngân hàng đã thay thế hạn mức tín dụng thấp hơn bằng các khoản vay ngắn hạn, tạo cơ hội thanh toán trả góp và hướng dẫn chủ thẻ cách tìm kiếm hàng hóa thiết yếu phù hợp với khả năng tài chính.
Về trung hạn, ngân hàng B đã chuẩn bị 2 kịch bản. Thứ nhất là sự lây lan của virus nhanh chóng được kiểm soát, dẫn đến hành vi “mua sắm bù” khi người tiêu dùng quay trở lại thói quen cũ. Ngân hàng sẽ cần các chiến dịch xoay quanh giao dịch mua sắm tùy ý, xem xét hạn mức tín dụng và thẻ ghi nợ đa tiền tệ cho du lịch. Tình huống thứ 2 là cuộc khủng hoảng kéo dài do đại dịch, đòi hỏi ngân hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán rủi ro tín dụng tốt hơn, đồng thời áp dụng các chương trình hoàn tiền rủi ro thấp hơn. Cách tiếp cận đối với người tiêu dùng cũng giống như đối với doanh nghiệp: mua ít hơn, hoàn tiền nhiều hơn, và các vấn đề với chuỗi cung ứng có thể thể hiện những điểm yếu cơ bản hoặc ngắn hạn.
Để thích ứng với những thay đổi dài hạn trong hành vi của người tiêu dùng, ngân hàng B sẽ cần kế hoạch tăng trưởng nhanh chóng hoặc kéo dài. Về ngoại tuyến, áp dụng thanh toán không tiếp xúc để thu hút khách hàng khi người dùng ngày càng hạn chế tiếp xúc với bất cứ thứ gì tại điểm bán hàng; và cung cấp bảo hiểm thất nghiệp hoặc các sự kiện bị hủy bỏ. Về trực tuyến, điều chỉnh các chương trình khách hàng thân thiết cho phù hợp với các dịch vụ thương mại điện tử và đăng ký/ theo dõi dịch vụ trực tuyến; và quan trọng nhất là cải thiện các trải nghiệm kỹ thuật số.
Nhằm bổ sung cho các trải nghiệm kỹ thuật số, có thể điều chỉnh từ "thời gian làm việc của nhân viên/chi nhánh" thành "giờ thuận tiện” (cho khách hàng), giúp tránh lãng phí nguồn lực trong khi vẫn đảm bảo duy trì hoạt động ngoại tuyến.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất mà COVID-19 tạo nên sẽ vẫn ở các trải nghiệm kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống ở nước ngoài là điểm chuẩn cho quỹ đạo hiện tại của ngân hàng B, nhưng chính các công ty công nghệ tài chính (fintech) sẽ vạch ra lộ trình kỹ thuật số của ngân hàng B thông qua ngân hàng mở.
Qua trường hợp điển hình nêu trên trong lĩnh vực tài chính và nghiên cứu ở 5 lĩnh vực khác, Báo cáo đã chứng minh sức mạnh của cách tiếp cận dữ liệu và phân tích nhanh, có nguyên tắc. Doanh nghiệp và chính phủ, những người chủ động tận dụng dữ liệu, công cụ và chuyên môn phù hợp có thể hiểu rõ hơn tác động của khủng hoảng do dịch bệnh đối với các bên liên quan và khai thác sức mạnh của những hiểu biết sâu sắc về dữ liệu để thúc đẩy các chiến lược ứng phó kịp thời.
“Các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương ứng phó với đại dịch lâu hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Khi tình trạng bất ổn tiếp tục xảy ra trong môi trường vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp và sự thay đổi tiếp diễn của tâm lý, hành vi của người tiêu dùng trước những diễn biến khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp cần một la bàn để vạch ra con đường tăng trưởng. Và nhiều doanh nghiệp đang tìm thấy kim chỉ nam thông qua những dữ liệu chuyên sâu”, ông Donald Ong, Phó Chủ tịch Cấp cao, Mastercard Advisors, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết đồng thời khẳng định “Bằng việc kết hợp giữa chuyên môn phân tích, kế hoạch chiến lược nhạy bén, theo sát sự thay đổi liên tục của người tiêu dùng, sự thích ứng nhanh chóng với môi trường kỹ thuật số, các doanh nghiệp này đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi một cách rõ ràng” .