ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp thách thức do COVID-19

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 16:27, 15/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo: “Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch do vi-rút corona gây ra (COVID-19) và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021”.

 

Nhận định về Việt Nam, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries cho rằng, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Hệ lụy từ đại dịch COVID-19

Báo cáo của ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 3,7% trong quý I/2020 xuống 0,4% trong quý II/2020, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.

Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm 2020 do lượng khách du lịch nước ngoài giảm tới 56,0%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.

Tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp cũng giảm một nửa, từ 2,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,2% trong cùng kỳ năm nay do nhu cầu xuất khẩu giảm. Sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 0,8%, lâm nghiệp tăng 2,1% và thuỷ sản tăng 2,4%.

Tăng trưởng trong ngành công nghiệp và xây dựng giảm mạnh từ 8,9% cùng kỳ năm trước xuống còn 3,0%. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu giảm từ 11,2% xuống 5,0%, trong khi sản lượng các ngành khai thác khoáng sản giảm 5,4%...

Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước…

Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,0% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trong 8 tháng năm 2020 tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 2 lần cắt giảm lãi suất chính sách (tháng 3 và 5/2020), tổng cộng giảm 100-150 điểm cơ bản. Trần lãi suất huy động đối với đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 60-75 điểm cơ bản và trần lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 100 điểm cơ bản.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, miễn lãi cho các khoản vay hiện hữu và cấp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại…

Báo cáo của ADB cũng ghi nhận, thương mại quốc tế của Việt Nam giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm 2020, trong đó: Xuất khẩu tăng 1,6% nhưng nhập khẩu lại giảm 2,2%. Thặng dư thương mại trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020 ước đạt 11,9 tỷ USD, cao hơn gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. “Thặng dư thương mại cũng góp phần bù đắp lượng kiều hối giảm 12,0%, đưa thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ mức tương đương 1,8% GDP của cùng kỳ năm trước lên 2,5% trong 8 tháng năm 2020”, ADB đánh giá.

Cũng theo ADB, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp trong 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm, kéo thặng dư tài khoản tài chính xuống còn tương đương 1,4% GDP. Tính đến cuối tháng 6/2020, cán cân thanh toán tổng thể có thặng dư tương đương 4,6% GDP. Dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 6 ước tính đủ để trang trải 3,2 tháng nhập khẩu, giảm nhẹ so với mức 3,6 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2019.

“Ngoại trừ một đợt biến động ngắn vào đầu tháng 4/2020, giá trị đồng Việt Nam trong năm nay duy trì ổn định do đồng đô la Mỹ nhìn chung suy yếu và thặng dư thương mại của Việt Nam mở rộng do nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp hơn”, ADB nhận định.

Với cán cân tài khoá, ADB cho biết đã có sự đổi chiều từ thặng dư ở mức tương đương 3,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2019, xuống thâm hụt ước tính vào khoảng 2,4% GDP trong 6 tháng đầu năm 2020. Thu ngân sách giảm 10,3%, trong khi chi tiêu tăng 9,5%, chủ yếu tập trung vào chi cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập.

Triển vọng trung hạn vẫn tích cực

 

Suy thoái toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp xấu đi và tiêu dùng suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế nặng nề hơn dự kiến. ADB cho rằng, triển vọng kinh tế còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới kể từ cuối tháng 7 năm 2020. Trên cơ sở đó, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được ADB điều chỉnh giảm từ 4,8% trong Báo cáo ADO 2020 và 4,1% trong Báo cáo ADO bổ sung vào tháng 6, xuống 1,8% trong báo cáo lần này.

ADB nhận định, tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này.

Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ: Cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định EVFTA đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại…

Từ phía cung, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn trong năm 2020 do thời tiết khắc nghiệt và sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bị kìm hãm trong năm nay do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm, mặc dù sẽ tăng trở lại trong năm 2021.

Điện thoại và linh kiện điện thoại cùng với hàng điện tử vẫn là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, lần lượt chiếm 18% và 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập giảm và hạn chế di chuyển cũng sẽ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch nội địa và quốc tế.

Theo ADB, lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0%, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài.

Hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù NHNN đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay bởi những lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. ADB cũng đánh giá: “Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14,0%”.

Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB dự đoán: “548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả”.

Với số thu thuế giảm do thu nhập và thu từ hoạt động xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội tăng cao và khả năng bổ sung gói hỗ trợ ngân sách trong năm 2020, thâm hụt tài khóa dự báo sẽ tăng lên tương đương 6,0% GDP vào năm 2020 và sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2021. Giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 còn chậm nhưng sẽ tăng tiến độ trong 6 tháng cuối năm, giúp nền kinh tế tiếp tục duy trì.

“Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1,0% GDP vào năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021”, ADB dự báo. Mặc dù xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng cuối năm, nhập khẩu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, giữ cán cân thương mại duy trì thặng dư. Tuy nhiên, mức thặng dư này không phải là một chỉ báo về sức khỏe kinh tế, vì nó phát sinh từ việc sản lượng và nhu cầu đều suy yếu. Trong khi đó, áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, được dự báo sẽ giảm 18,0% trong năm 2020.

“Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn nhưng trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực”, ADB đánh giá. Theo ADB, việc tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Lan Nguyễn