Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện
Chính sách mới - Ngày đăng : 08:46, 16/09/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (BCĐ) đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ này.
BCĐ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp về tài chính toàn diện của quốc gia; giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, kiểm tra hoạt động tài chính toàn diện và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách về hợp tác quốc tế, nghiên cứu, xem xét việc thực hiện các khuyến nghị của quốc tế về tài chính toàn diện; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác truyền thông; xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử của BCĐ đặt tại cơ quan thường trực.
Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động tài chính toàn diện quốc gia, kết quả thực hiện Chiến lước tài chính toàn diện quốc gia theo từng thời kỳ và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Về cơ cấu tổ chức, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng BCĐ. Trưởng BCĐ có nhiệm vụ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động, chương trình, kế hoạch công tác của BCĐ; phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng BCĐ và thành viên BCĐ, điều hành chung hoạt động của BCĐ; quyết định triệu tập, chủ trì các cuộc họp của BCĐ; tổ chức và chủ tọa các hội thảo, thảo luận tham khảo ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức và các cá nhân liên quan.
Phó Trưởng BCĐ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có nhiệm vụ giúp Trưởng BCĐ trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ; điều hành trang thông tin điện tử của BCĐ, chịu trách nhiệm trước Trưởng BCĐ về các nhiệm vụ được giao; giúp Trưởng BCĐ điều phối các thành viên BCĐ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của BCĐ; đôn đốc triển khai, tổng hợp báo cáo về hoạt động của BCĐ.
Thành viên BCĐ là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, có nhiệm vụ đại diện cho bộ, ngành mình tham gia các hoạt động của BCĐ, thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng BCĐ phân công; tham dự đầy đủ các phiên họp của BCĐ. Trường hợp vắng mặt, phải ủy quyền cho người có đủ thẩm quyền thay mặt tham dự, báo cáo, tham gia đầy đủ ý kiến tại cuộc họp; triển khai đầy đủ các kết luận tại cuộc họp của Trưởng BCĐ.
Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên BCĐ và Tổ thường trực giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân.