Tăng trưởng xanh tại Việt Nam - phân tích trên khía cạnh các công cụ tài chính

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:19, 17/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết tổng hợp các lý thuyết liên quan đến các công cụ tài chính, trên cơ sở đó, tác giả phân tích thực trạng áp dụng các công cụ tài chính tại Việt Nam, đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tài chính xanh tại Việt Nam.

Tóm tắt: Trong thời gian qua, các tổ chức tài chính Việt Nam có những cam kết và các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện mức độ phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một trong số đó có thể kể đến là việc triển khai các công cụ tài chính chưa thật sự hiệu quả. Bài viết tổng hợp các lý thuyết liên quan đến các công cụ tài chính, trên cơ sở đó, tác giả phân tích thực trạng áp dụng các công cụ tài chính tại Việt Nam, đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tài chính xanh tại Việt Nam.

GREEN GROWTH IN VIETNAM - FROM  FINANCIAL TOOLS BASED ANALYSIS PERSPECTIVE

Abstract: In recent years, Financial institutions of Vietnam have made commitments and activities to implement the objectives of the National green growth strategy and achieve certain results. However, at present, the level of green finance development in Vietnam is still low. This comes from many reasons and one of the reasons may be the implementation of financial instruments that are not effective. The paper summarizes theories related to financial instruments and on that basis, the author analyzes the current situation of applying financial instruments. At the same time, the paper also provides some suggestions to develop green finance in Vietnam in current period.

1. Đặt vấn đề

Trong chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, các chính sách tài chính xanh từ phía Chính phủ, ngân hàng đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong việc cung ứng nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của các doanh nghiệp, cá nhân. Đối với Nhà nước, việc xây dựng đề án xác định các dự án xanh, thân thiện với môi trường, phê duyệt các khoản chi từ ngân sách nhà nước (NSNN), ban hành các chính sách thuế là yếu tố bảo đảm cho việc hiện thực hóa mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), xây dựng triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng xanh là nhân tố quyết định bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng cho các hoạt động đầu tư xanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng các công cụ tài chính mà Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại (NHTM) đã áp dụng trong thời gian qua để thúc đẩy tăng trưởng xanh là điều cần thiết.

2. Tổng quan về tài chính xanh và chính sách tài chính xanh

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia nhìn chung đều hướng tới giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch… thông qua việc yêu cầu các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm; khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.

Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển chú trọng nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống người dân, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (UNEP, 2016).

Tài chính xanh hướng tới tăng trưởng của ngành tài chính là một trong mục tiêu chung của phát triển bền vững. Hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất về tài chính xanh, song cơ bản tài chính xanh được hiểu:

Tài chính xanh liên quan đến việc đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ tài chính cung cấp bởi các định chế tài chính hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia (UNEP, 2016). Tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa (Chowdhury và ctg, 2013). Tài chính xanh là nguyên lý của tín dụng xanh, bao gồm các biện pháp quản lý trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác thực hiện các nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và khôi phục môi trường sinh thái. Tài chính xanh khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mới, sản xuất các sản phẩm xanh, sản xuất nông nghiệp sinh thái thông qua cho vay ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp, đồng thời giới hạn các dự án mới của các doanh nghiệp gây ô nhiễm cùng với việc áp dụng lãi suất cao.

Theo dự án GIZ, có 3 trụ cột trong khu vực tài chính xanh, tương ứng với từng trụ cột là nhóm công cụ tài chính được Chính phủ, NHNN áp dụng triệt để (hình 1).

Hình 1: Các công cụ tài chính

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của GIZ

Thứ nhất: Chính sách tài khóa xanh (GFR – Green Fiscal Reform) bao gồm thực hiện các công cụ như:

Thuế xanh tức là hướng tới đảm bảo các mức thu thuế đối với việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm, năng lượng sạch.

Chi tiêu công xanh đồng nghĩa với các khoản chi tiêu hướng tới bảo vệ môi trường, hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh, xây dựng tiêu chí xanh về hành vi mua sắm của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai: Chính sách tiền tệ xanh (Green Monetary Policy) được đề cập trong mạng lưới các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát, mục đích xanh hóa hệ thống tài chính với công cụ ngân hàng xanh. Theo Bahl (2012), ngân hàng xanh bao gồm các hoạt động ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giao dịch qua mạng thay vì mở rộng chuỗi chi nhánh của ngân hàng. Trong nghiên cứu của Millat (2012), ngân hàng xanh  có thể tiếp cận theo hai hướng, bao gồm: (1) tập trung xanh hóa hoạt động nội bộ của ngân hàng và (2) tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, chú trọng yếu tố môi trường xã hội trong quá trình thẩm định cho vay (Sogesid, 2012). Theo đó, ngân hàng xanh bao gồm: hoạt động tín dụng xanh và hoạt động nội bộ ngân hàng xanh.

Tín dụng xanh bao gồm các hoạt động cho vay thế chấp xanh, cho vay thiết bị gia đình xanh, cho vay xây dựng tòa nhà thương mại xanh, cho vay mua xe xanh, thẻ tín dụng xanh và tài trợ dự án xanh. Cho vay thế chấp xanh là những khoản vay với lãi suất thấp hơn hẳn so với thị trường được áp dụng cho những khách hàng mua những ngôi nhà dùng năng lượng xanh. Đối với các dự án xây tòa nhà thương mại có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn (khoảng 15% - 25%), giảm chất thải và ít ô nhiễm hơn so với các tòa nhà truyền thống, ngân hàng sẽ thiết kế và đưa ra các thỏa thuận vay hấp dẫn với sản phẩm cho vay xây dựng tòa nhà thương mại xanh. Tương tự, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi khi cho vay mua thiết bị gia đình xanh (thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo điện hoặc nhiệt) hoặc cho vay mua xe xanh – những chiếc xe có cường độ khí nhà kính thấp hoặc được tiết kiệm cao về nhiên liệu. Hoạt động tài trợ dự án xanh dành cho khách hàng doanh nghiệp, được ngân hàng thực hiện bằng cách tạo ra các nhóm dành riêng cho việc xem xét tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch quy mô lớn, lập danh mục nợ cam kết tài trợ hoàn toàn hoặc một phần dự án. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội như lao động trẻ em, biến đổi khí hậu… sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để các ngân hàng xét đến khi thực hiện các khoản cho vay, tài trợ dự án của mình.

Hoạt động nội bộ xanh là các hoạt động vận hành bên trong ngân hàng, liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, tự động hóa các công việc và những hoạt động hàng ngày khác. Các ngân hàng thực hiện mở rộng mạng lưới ngân hàng xanh sẽ sử dụng các tòa nhà, văn phòng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên ví dụ như những tòa nhà tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa… Các ngân hàng xanh cũng sẽ chú trọng giảm thiểu khí thải cácbon và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như sử dụng hệ thống máy ATM năng lượng mặt trời, khuyến khích sử dụng các công cụ giao tiếp, truyền thông, lưu trữ hiện đại nhằm hạn chế khối lượng lớn văn bản in ấn….

Thứ ba: Thị trường vốn xanh thực hiện thông qua việc phát hành trái phiếu xanh, tức là huy động vốn cho chương trình dự án xanh, các hoạt động của thị trường dựa trên bộ chỉ số xanh để theo dõi và đánh giá giao dịch. “Bộ nguyên tắc trái phiếu xanh” được ra mắt lần đầu vào năm 2014 và được bổ sung chỉnh sửa qua hai năm 2015 và 2018 (GDP, 2018). Trái phiếu xanh được hiểu là “bất kỳ công cụ trái phiếu nào mà số tiền thu được từ việc phát hành được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ  các dự án xanh mới hoặc đang hoạt động đủ điều kiện cấp vốn và tuân thủ 4 nguyên tắc của GBP”.

Trong khuôn khổ xây dựng các chính sách vĩ mô đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các chính sách để hướng tới đảm bảo các tiêu chí xanh của nền kinh tế.

3. Thực trạng các công cụ tài chính phục vụ tăng trưởng xanh tại Việt Nam

3.1. Chính sách tài khóa

Chính sách thuế

Trên thực tế, chính sách thuế được coi là công cụ hữu hiệu để tác động đến hành vi người sản xuất và người tiêu dùng, qua đó định hướng hành vi theo hướng xanh, thân thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Các quy định chính sách thuế được xây dựng, ban hành đều hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế, theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng nhằm hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Theo tinh thần đó, các sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, cụ thể:

Bảng 1: Quy định các sắc thuế liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT)

Nguồn: Tổng hợp từ các sắc thuế

Chi tiêu công xanh

Chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới tiêu chí xanh, cụ thể như:

- Quyết định 1427/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/10/2012 về chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015, với tổng vốn: 930 tỷ đồng chi cho 4 dự án: (1) Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; (2) Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; (3) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; (4) Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải. 

- Quyết định 57/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/1/2020 về kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mức vốn chi 49.317 tỷ đồng trong đó: Vốn ngân sách: 14.067 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nhu cầu vốn, bình quân mỗi năm 1.407 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách: 35.250 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vốn, bình quân mỗi năm 3.500 tỷ đồng, chủ yếu chi cho trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng.

- Quyết định 1206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/9/2012 về chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2011- 2015 với tổng vốn: 5.863 tỷ đồng, chi cho 3 dự án: (1) Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; (2) Cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; (3) Thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 03 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

- Quyết định 1183/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/8/2012 với chi ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, với tổng kinh phí 1.771 tỷ đồng, chi cho 3 dự án: (1) Đánh giá mức độ biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (2) Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

- Quyết định số 227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/12/2006 về việc chi ngân sách cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 22.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2006-2010.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn phê duyệt các khoản chi ngân sách hướng tới mục tiêu quốc gia bảo vệ môi trường trong kế hoạch chi ngân sách như: hàng năm ngân sách nhà nước bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách nhằm hỗ trợ nhiệm vụ bảo vệ môi trường; thực hiện chi cho phòng ngừa, ứng phó với các sự cố từ môi trường; chi cho các dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh.

3.2. Chính sách tiền tệ xanh

Tín dụng xanh

Với sự ra đời của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Chỉ thị 03/CT-NHNN được Thống đốc ban hành ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Đề án 1064 phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được Thống đốc ban hành kèm Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018, các NHTM đã tích cực triển khai xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn để triển khai các dự án xanh, thể hiện trong bảng 2.

Bảng 2 : Các chương trình tín dụng xanh tiêu biểu ở một số NHTM

Nguồn : Tác giả tự tổng hợp

Với các chính sách cho vay như trên, tính đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 317.620 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2018; trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh với tỷ trọng theo từng lĩnh vực thể hiện trong bảng 3.

Bảng 3 : Tỷ trọng dư nợ của lĩnh vực xanh của các NHTM

Nguồn : Thống kê của NHNN

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì quá trình phát triển tín dụng xanh vẫn còn một số bất cập như chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh nhất là các lĩnh vực năng lượng tái tạo thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn. Để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài, lãi suất ưu đãi thì các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các TCTD.

Ngân hàng xanh

Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc triển khai phát triển ngân hàng xanh theo nội dung Đề án phát triển ngân hàng xanh 1604 đưa ra, và thu được những thành quả nhất định. Cụ thể, khảo sát của NHNN cho thấy có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 TCTD đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Các NHTM đã nỗ lực đưa ra được hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội như là màng lọc giúp NHTM phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả. Hiện nay đã có 3 NHTM áp dụng được Hệ thống quản lý trách nhiệm với môi trường ESMS, đó là Sacombank, Techcombank và VietinBank, trong đó Sacombank là NHTMCP đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống này vào năm 2012, tiếp theo là Techcombank vào năm 2016.

Mặc dù số lượng NHTM áp dụng hệ thống này còn ít, nhưng trong quá trình đánh giá cấp tín dụng, NH đã đưa chỉ tiêu về môi trường và xã hội làm một trong những tiêu chí để đưa ra quyết định cấp tín dụng. Cụ thể, các NHTM đã yêu cầu khách hàng (i) báo cáo đánh giá tác động về môi trường nói riêng ; (ii) xây dựng các tiêu chí để phân loại  dự án căn cứ vào mức độ rủi ro, tác động của dự án tới môi trường xã hội ; (iii) giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của khách hàng. Ngoài ra, không chỉ hướng tới phục vụ khách hàng xanh, bản thân các NHTM cũng tiến hành thực hiện xanh hóa trong nội bộ thông qua các biện pháp như tiết kiệm giấy, áp dụng hình thức ngân hàng trực tuyến…Ví dụ, năm 2012, LienVietPostBank triển khai chương trình “Ngân hàng Xanh” với mục đích đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành hoạt động lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững. Chương trình bao gồm 3 hoạt động chính là: (1) xây dựng văn phòng xanh – phát động thi đua tiết kiệm điện, văn phòng phẩm, tiết giảm tài sản công cộng như nước, giấy vệ sinh, tạo không gian xanh sạch đẹp; (2) đổi giấy lấy cây xanh nhằm tái sử dụng giấy; (3) xây dựng quầy giao dịch xanh vì nụ cười khách hàng, đem đến hình ảnh ngân hàng thân thiện, vui vẻ. 

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc triển khai thực hiện ngân hàng xanh tại các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế, cụ thể chưa nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động ngân hàng xanh. Nguyên nhân là do các ngân hàng cho rằng sẽ mất đi lượng lớn lợi nhuận do việc thẩm định tín dụng sẽ bị siết chặt hơn khi xét đến yếu tố môi trường, xã hội. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh tại Việt Nam còn chưa cụ thể và chưa được thực hiện thường xuyên. Những sản phẩm đã được triển khai mới chỉ dừng lại ở mức độ là các chương trình ngắn hạn để thể hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Các sản phẩm tín dụng xanh trên thế giới như cho vay mua nhà xanh, cho vay mua xe xanh vẫn chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam.

3.3. Thị trường vốn xanh

Từ cuối năm 2015, chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Quốc gia với Tổ chức hợp tác phát triển Đức, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh. Trên cơ sở đó, ngày 20/10/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương. TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu là hai địa phương triển khai đầu tiên.

TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên Danh mục dự án xanh NHNN ban hành. Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiến hành hợp tác với một số tổ chức quốc tế để tăng cường học hỏi kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh và phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam.

Thị trường Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc phát triển trái phiếu xanh, tuy nhiên hiện trái phiếu xanh vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, mức độ quan tâm đến vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, cụ thể để quy định và hướng dẫn việc phát hành và sử dụng trái phiếu xanh. Tại Việt Nam mới chỉ xuất hiện một vài đợt phát hành thử nghiệm của chính quyền địa phương với khối lượng khá nhỏ. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các chính sách ưu đãi để phát triển thị trường trái phiếu xanh, khuyến khích các nhà phát hành hay thu hút nhà đầu tư. Thiếu các tổ chức đủ năng lực đánh giá về dự án xanh do Việt Nam đang thiếu cơ chế khuyến khích, thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

4. Kết luận và đề xuất một số giải pháp

Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, thời gian tới các bên liên quan cần tập trung làm tốt các vấn đề:

Về chính sách tài khóa

Thời gian tới, Nhà nước cần:

- Hoàn thiện chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, hoàn thiện cả mức ưu đãi và thời gian ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch và phát triển vận tải công cộng.

- Mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường như phân bón hóa học, khí thải; tiếp cận theo cơ chế giá trị thị trường, bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế tài nguyên về sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất…

Về chính sách tiền tệ xanh

Với mảng tín dụng xanh, NHNN cần:

- Hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, thống nhất các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục ngành/lĩnh vực xanh làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá, giám sát khi thực hiện cấp tín dụng.

- NHNN cần có các quy định mới liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ tín dụng xanh cho các NHTM như không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Về Ngân hàng xanh:

- Các NHTM cần xây dựng lộ trình triển khai ngân hàng xanh từ khâu xây dựng chiến lược, chính sách cho đến khâu cụ thể hóa các chính sách ngân hàng xanh trên từng lĩnh vực phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh, hướng đến mục tiêu ngân hàng xanh toàn diện.

- Có các chiến lược marketing hiệu quả để quảng bá sản phẩm đến người dân và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người  dân trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Về thị trường vốn xanh

Nhà nước cần xem xét:

- Hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu xanh. Dựa trên bộ tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN và nguyên tắc trái phiếu xanh 2018, các cơ quan quản lý xây dựng bộ nguyên tắc trái phiếu xanh riêng cho Việt Nam, đưa ra quy trình hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu xanh như: quy định về các tiêu chí lựa chọn dự án xanh, quy định về quy trình thẩm định, đánh giá, báo cáo và chế độ công bố thông tin liên quan đến quản lý và sử dụng dòng tiền thu được từ trái phiếu xanh và các dự án xanh được lựa chọn.

- Đưa ra các ưu đãi chính sách để khuyến khích các tổ chức phát hành và thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới loại trái phiếu này, cụ thể: một số ưu đãi về thuế, phí cho các nhà phát hành như giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án có mục tiêu phát triển bền vững; hoặc trong giai đoạn đầu đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc phát hành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chính quyền địa phương dễ dàng tiếp cận loại hình phát hành hành mới này.

- Phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức độc lập, đánh giá trái phiếu xanh/dự án xanh và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và đánh giá dự án xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Chính phủ (2012). Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ban hành ngày 2/10/2012.

- Chính phủ (2012). Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2011- 2015, tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ban hành ngày 2/9/2012.

- Chính phủ (2012). Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg ban hành ngày 30/08/2012.

- Chính phủ (2020). Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020, tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ban hành ngày 9/1/2020

- Bahl, S. (2012). The role of green banking in sustainable growth. International Journal of Marketing, Financial Services and Management Research, 1(2), 27-35.

- Millat, K. (2012). Green Banking Activities, Banking Regulation and Policy Department Bangladesh Bank. In.

- UNEP. (2016) Green Economy Scoping Study for Saint Lucia.

- Xu, L. (2013). On the evaluation of performance system incorporating “green credit”.

- Chowdhury, T., Datta, R., & Mohajan, H. (2013). Green finance is essential for economic development and sustainability policies in China’s financial industry. Journal of Financial Risk Management, 2(02), 33.

Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2020

ThS. Nguyễn Đặng Hải Yến -   ThS. Lê Văn Sơn