Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23
Tin tức - Ngày đăng : 07:46, 19/09/2020
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW các nước trong khu vực ASEAN+3, Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc khu vực Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc NHTW ASEAN+3 và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã đối thoại chính sách về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực cũng như các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, xem xét việc triển khai các sáng kiến hợp tác thuộc Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3, định hướng chiến lược và các sáng kiến mới của Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 và thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị.
Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 4,9%, kinh tế khu vực châu Á giảm 1,6% trong đó khu vực ASEAN tăng trưởng âm ở mức -2,0%, các nước ASEAN+3 như Nhật Bản tăng trưởng -5,8%; Hàn Quốc tăng trưởng -2,1%, Trung Quốc tăng trưởng 1%. Trong vai trò chủ trì điều hành phiên đối thoại chính sách kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ trong việc xây dựng, ban hành các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các nền kinh tế trước các cú sốc, qua đó giúp duy trì sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính.
Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị cũng chia sẻ về các giải pháp chính sách mà các nền kinh tế khu vực đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm gói các giải pháp về tài khóa, tiền tệ và quy định quản lý hệ thống tài chính. Các Bộ trưởng và Thống đốc nhận định trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các tác động do đại dịch gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Các đại biểu nhất trí cho rằng hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác tài chính, là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia tăng cường năng lực phối hợp và ứng phó với các tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bền vững.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ biện pháp của NHNN trong việc theo đuổi mục tiêu kép của Chính phủ: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội. NHNN đã chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoạch định chính sách do dư địa chính sách bị thu hẹp cùng với ngân sách bị hạn chế. Do đó, Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên trong việc tư vấn chính sách cũng như hỗ trợ tài chính khi cần thiết.
Quang cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 đã thông qua các nội dung kỹ thuật quan trọng, bao gồm sửa đổi Thoả thuận CMIM, trong đó điểm sửa đổi quan trọng là tăng tỷ lệ tiếp cận chương trình CMIM không gắn với các khoản vay của IMF từ 30% lên 40%; hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn thực hiện giao dịch hoán đổi CMIM, Hướng dẫn áp dụng khuôn khổ điều kiện chương trình CMIM gắn và không gắn với chương trình của IMF; kế hoạch triển khai chạy thử nghiệm CMIM bằng tiền thật lần thứ 11... Các kết quả nêu trên góp phần tích cực trong việc tăng tính sẵn sàng, hiệu quả hoạt động của CMIM, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu. Các kết quả hợp tác đạt được của Sáng kiến CMIM có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hợp tác và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh kinh tế khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn.
Hội nghị cũng đánh giá cao những nỗ lực của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) với tư cách là một tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô, cung cấp các đánh giá, phân tích tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với khu vực và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo duy trì ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính khu vực.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác thuộc sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) trong việc nghiên cứu nâng cao môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.
Nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính khu vực, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW hoan nghênh việc triển khai các sáng kiến mới trong khuôn khổ Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3, bao gồm các sáng kiến: (i) Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; (ii) Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; (iii) Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; (iv) Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu như Sáng kiến Cơ chế Bảo hiểm Rủi ro thiên tai (SEADRIF) và (v) Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN+3 lần thứ 23. Các nước thành viên đánh giá cao công tác tổ chức và chủ trì, điều hành Hội nghị của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2020 trước bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Hội nghị lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại Tbilisi, Georgia dưới sự Đồng chủ trì của Brunei và Hàn Quốc vào năm 2021.