Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị thường niên ADB lần thứ 53
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:49, 21/09/2020
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị các thành viên tham gia đều có chung nhận định, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh dự kiến còn tiếp tục gia tăng ở hầu hết các quốc gia trong thời gian tới.
Chính phủ nhiều quốc gia đang từng bước nỗ lực vượt qua dịch bệnh và xây dựng lại nền kinh tế. Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục kinh tế và giải quyết khủng hoảng COVID-19. Do đó, sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức tài chính lớn như ADB có ý nghĩa hết sức to lớn.
Các thành viên tham gia hội nghị đều nhất trí tiếp tục đoàn kết nhằm xây dựng châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và thịnh vượng.
Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB cho biết, ADB cam kết phối hợp với các đối tác phát triển để thực hiện gói ứng phó COVID-19 của ADB, bổ sung nguồn vốn ADF 13, tăng cường các hoạt động cho vay, vốn chủ sở hữu, tài trợ và viện trợ khác để giúp các thành viên đang phát triển thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.
Cụ thể: ADB sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực bằng cách giúp các quốc gia thành viên thiết lập và đảm bảo chuỗi cung ứng và giá trị đa dạng hơn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Bên cạnh đó, ADB sẽ tăng cường đầu tư vào y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, để đảm bảo an toàn và cơ hội cho tất cả các thành viên trong xã hội - bao gồm phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm dân số yếu thế.
Các khoản đầu tư của ADB sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực mà các nền kinh tế cần để phát triển mạnh trong dài hạn. Đồng thời, ADB cam kết sẽ đẩy nhanh nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu để có thể đạt được các mục tiêu đã thiết lập trong Chiến lược 2030: đạt 80 tỷ đô la đầu tư cho chống biến đổi khí hậu và triển khai 75% tổng số hoạt động đã cam kết trước năm 2030.
ADB sẽ đầu tư vào công nghệ thông tin và dữ liệu về y tế; giáo dục; tài trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); làm việc từ xa — đồng thời giải quyết cả khoảng cách kỹ thuật số và an ninh mạng.
Ngoài ra, ADB cam kết sẽ hỗ trợ các thành viên đang phát triển nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin an toàn và hiệu quả, đồng thời xây dựng các chiến lược để phân phối công bằng. Để thực hiện được điều này, ADB sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB); Liên minh vắc xin; chuyên gia vắc xin; các công ty dược phẩm…
Cũng tại Hội nghị, các Thống đốc đã thông qua:
(i) Báo cáo thường niên năm 2019. Theo báo cáo, trong năm 2019, ADB đã tài trợ ở khu vực Đông Nam Á trong các lĩnh vực: Giao thông 34%, quản lý khu vực công 26%, 14% tài chính 14%, giáo dục 9%, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn 8%. Đối với lĩnh vực tư nhân, năm 2019 ADB đã tài trợ cho các lĩnh vực: giao thông 36%, năng lượng 23%, tài chính 19%, công nghệ thông tin và truyền thông 17%;
(ii) Hoạt động Ngân sách năm 2020. Theo công bố, tổng chi phí hành chính nội bộ thực tế năm 2019 là 690,5 triệu USD; ngân sách ròng năm 2020 được phê duyệt là 726,7 triệu USD; Chi phí cho Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) có tổng chi phí thực tế năm 2019 là 13,1 triệu USD, và ngân sách năm 2020 được phê duyệt là 17,6 triệu USD.
Tại Hội nghị năm nay, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã gửi tới hội nghị phát biểu của Việt Nam, chia sẻ những kết quả đã đạt được của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, Chính phủ đánh giá cao việc ADB đã tăng gấp ba lần quy mô gói ứng phó COVID-19 lên 20 tỷ USD vào ngày 13/4/2020 nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt của các nước thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay chính phủ và tư nhân dành cho các quốc gia thành viên đang phát triển cũng đã được sắp xếp hợp lý để tạo điều kiện cho các quốc gia được tiếp cận nguồn vốn vốn nhanh chóng và linh hoạt hơn. Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao đối với ADB vì những cải cách quan trọng trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả của ADB. Chính phủ cam kết phối hợp chặt chẽ với ADB trong việc chuẩn bị Chiến lược Đối tác Quốc gia 2021-2025, trong đó sẽ gắn kết các ưu tiên trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021–2025 và Chiến lược 2030 của ADB.