Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 14:55, 21/09/2020
Hình minh họa |
Báo cáo được đúc kết từ tài liệu chuẩn bị cho Diễn đàn kinh doanh G20 (Business 20 (B20), diễn đàn nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đưa ra các khuyến nghị chính sách cho nhóm G20, báo cáo định lượng những lợi ích và chi phí tương đối của thương mại mở so với chủ nghĩa bảo hộ.
Báo cáo được thực hiện dựa trên việc sử dụng một mô hình đã được kiểm chứng để phân tích tác động của dòng chảy thương mại đối với tăng trưởng kinh tế. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh hai kịch bản về dòng chảy hàng hóa giữa các nước G20, trong đó: Một kịch bản giả định thương mại mở dựa trên quy tắc với mức độ cao; Kịch bản khác giả định mức độ hạn chế thương mại tối đa có thể, bao gồm: Việc tăng mức thuế trung bình toàn cầu, việc tiếp tục áp thuế liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và triển khai số ít các biện pháp mới nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Trong năm đầu tiên, hai kịch bản có tác động kinh tế tương tự nhau nhưng sau đó chúng bắt đầu chuyển hướng.
Theo kịch bản bảo hộ, giá trị hàng hóa giao dịch chững lại và GDP cũng vậy.
Còn với kịch bản thương mại mở, giá trị thương mại tăng từ 2 đến 2,6 điểm % mỗi năm, kéo theo GDP với tốc độ tăng trưởng từ 1,8 - 2,3 điểm % mỗi năm. Nghiên cứu chỉ tính đến thương mại hàng hóa. Nếu bao gồm cả thương mại dịch vụ, giá trị của việc nới lỏng các hạn chế thương mại sẽ còn cao hơn.
Ông Sukand Ramachandran, một Giám đốc điều hành và thành viên cấp cao của BCG cho biết: “Trong nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải vật lộn với những tác động của đại dịch COVID-19, phân tích của chúng tôi cho thấy thương mại mở mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, cũng như cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Sự tăng trưởng thêm mà chúng tôi tính toán được từ thương mại mở sẽ trở thành việc làm trên khắp thế giới".
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các biện pháp hạn chế nhập khẩu được triển khai từ năm 2019 và vẫn còn hiệu lực có tác động đến khoảng 10,3% nhập khẩu của nhóm G20, tương đương khoảng 1,6 nghìn tỷ USD.
Báo cáo cũng đưa ra năm bước mà các nhà lãnh đạo thế giới phải thực hiện để tối đa hóa sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu trong năm năm tới và xa hơn thế nữa:
Thứ nhất, tăng cường các thể chế quốc tế, bao gồm cả WTO, để các tổ chức này có thể bắt kịp với những thách thức mới mà doanh nghiệp phải đối mặt trên toàn cầu.
Thứ hai, xem xét lại các quy tắc thương mại để tạo ra một bộ quy tắc tốt hơn, có tính thực thi hơn nhằm đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ, hỗ trợ thị trường mở và đảm bảo một sân chơi bình đẳng trên toàn cầu.
Thứ ba, đảm bảo công nghệ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại số, bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ năng và các khuôn khổ pháp lý và tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu cho thương mại số.
Thứ tư, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa phi vật lý, bằng cách giảm các hạn chế thương mại dịch vụ, khuyến khích sự hiểu biết chung về quy định sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn chung để nội địa hóa dữ liệu, và bãi bỏ thuế hải quan đối với truyền tải điện tử.
Thứ năm, thúc đẩy các tác động tích cực của thương mại trong xã hội, bằng cách điều chỉnh các quy tắc thương mại và đầu tư để thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng bao trùm và các công nghệ giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.
Bà Natalie Blyth, Giám đốc toàn cầu Khối thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của HSBC cho biết: “Lực lượng đặc nhiệm phụ trách Thương mại và Đầu tư của B20 đã phát triển một bộ đồng thuận gồm các khuyến nghị chính sách táo bạo và đầy tham vọng cho G20 để có thể đi theo một lộ trình tăng trưởng bao trùm và bền vững. Điều quan trọng là thương mại được thể hiện đúng vai trò của mình trong việc đảm bảo sự phục hồi kinh tế sau COVID-19 và các chính sách cởi mở hơn sẽ mang lại cho nền kinh tế toàn cầu một khởi đầu thuận lợi được tính bằng hàng nghìn tỷ USD”.