Chính sách tiền tệ và tài khóa tại một số quốc gia trong thời kỳ dịch Covid-19

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:41, 24/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nhìn lại thực trạng phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tại một số quốc gia trên thế giới trong thời gian qua để đề xuất một số hàm ý đối với hai chính sách này cho Việt Nam.

Tóm tắt: Chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) là hai công cụ quan trọng trong hoạt động điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô của mọi quốc gia. Trong bối cảnh chính sách kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới thì việc phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi mà dịch Covid-19 gây ra cho Việt Nam là cần thiết. Bài viết nhìn lại thực trạng phối hợp CSTT và CSTK tại một số quốc gia trên thế giới trong thời gian qua để đề xuất một số hàm ý đối với hai chính sách này cho Việt Nam.

Monetary and fiscal policies in countries during the Covid-19 pandemic

Abstract: Monetary policy and fiscal policy are two important tools in macroeconomic management of all countries. In the context that the Vietnamese economy is deeply integrated with the world economy, it is essential to have synchronized coordination between monetary policy and fiscal policy to minimize the adverse effects caused by the Covid-19 pandemic to Vietnam. The paper looks at current coordination between monetary policy and fiscal policy in some countries in the world in the past time, then to propose some implications for the application of two policies in Vietnam.

Đặt vấn đề

Chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) hợp thành hệ thống chính sách quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế của mọi quốc gia. Các công cụ của hai chính sách này vừa có tính độc lập vừa có tính tương tác, hỗ trợ nhau. CSTK tác động trực tiếp đến yếu tố chi tiêu chính phủ (G) hoặc gián tiếp đến tiêu dùng (C), đầu tư (I), và xuất nhập khẩu ròng (NX) xét cho cùng là tác động tới tổng cầu (Y). CSTT điều chỉnh mức cung tiền, tác động trực tiếp đến thị trường tiền tệ, qua đó tác động trở lại đến tổng cầu (thông qua các yếu tố C, I, NX). Như vậy cả hai chính sách đều tác động tới quy mô của tổng cầu nhưng mỗi chính sách lại gây ra sự thay đổi khác nhau về các thành phần của tổng cầu và thông qua đó là tổng cung.

Sự phối hợp tốt, nhịp nhàng hoạt động của hai chính sách thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ của từng chính sách sẽ giúp chính phủ các quốc gia đạt được những mục tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô như tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát. Ngược lại, sự phối hợp không nhịp nhàng, không gắn kết hai chính sách nói trên sẽ làm giảm hiệu quả điều hành chính sách và thậm chí có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô. Để hạn chế những tác động bất lợi đòi hỏi cả hai chính sách này phải nhất quán về mục tiêu, tạo ra sự đồng bộ và bổ sung cho nhau trong quá trình thực thi. Do đó, việc tìm ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa hai chính sách này luôn được chính phủ, các nhà hoạch định chính sách quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dịch Covid-19 đang diễn ra và gây nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế các quốc gia nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

 Bài viết thông tin thực trạng CSTT và CSTK tại một số quốc gia trên thế giới trong thời gian qua để đưa ra một số hàm ý đối với hai chính sách này cho Việt Nam.

Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tại một số quốc gia

Diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do đứt mắt xích quan trọng hàng đầu là Trung Quốc cùng với hàng loạt quyết định phong tỏa và cách ly từng khu vực, từng thành phố thậm chí từng quốc gia đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung cũng như đẩy kinh tế toàn cầu tới bờ suy thoái. Không chỉ dòng hàng hóa, dòng lao động mà cả dòng dịch vụ và tài chính tưởng như miễn nhiễm với dịch bệnh nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bị chặn đứng bởi nỗi lo sợ dịch bệnh bao trùm. Lần đầu tiên trong thời hiện đại, kinh tế thế giới cùng một lúc phải chịu đựng cả cú sốc cung lẫn cú sốc cầu từ qui mô toàn cầu, quốc gia, thành phố đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Việc thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ ở mức 2,4%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ là -3% GDP, trong đó, tăng trưởng GDP ASEAN sẽ là -0,6%; Mỹ là - 5,9%, Anh là - 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu là -7,5%. Các nền kinh tế đang phát triển sẽ sụt giảm khoảng 2% GDP thay vì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục 4,6%/năm trong suốt 60 năm trước đây. IMF còn dự báo tổn thất tích lũy của kinh tế thế giới do dịch Covid-19 sẽ chạm ngưỡng 9.000 tỷ USD vào năm 2021. Dự đoán của APEC thì khẳng định tăng trưởng 21 nền kinh tế thành viên sẽ giảm còn khoảng -2,7% năm 2020. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức -0,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019.

Để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, nhìn chung tất cả các quốc gia đều thực hiện nới lỏng CSTT và CSTK thông qua việc liên tục cắt giảm lãi suất cũng như tung ra những gói hỗ trợ khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình trệ do lệnh cách ly và người lao động bị nhiễm dịch.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp cắt giảm lãi suất cơ bản về 0% chỉ trong vòng vài ngày nửa đầu tháng 3/2020 đi kèm với những gói bơm tiền khổng lồ lên đến hàng ngàn tỷ USD vào nền kinh tế vốn đang chao đảo vì dịch bệnh. Ngày 3/3, FED đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Đây là lần đầu tiên Fed quyết định hạ lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm lãi suất khẩn cấp thứ năm trong vòng 50 năm qua. Tiếp đó, ngày 15/3, FED thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan ra nhiều bang tại Mỹ. Theo đó, FED hạ lãi suất một điểm phần trăm xuống biên độ mục tiêu 0-0,25%, trước lo ngại dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 11/3 đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản xuống mức 0,25% nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này. Đây là lần đầu tiên BoE quyết định giảm lãi suất kể từ tháng 8/2016. Theo BoE, dù mức độ tổn hại từ cú sốc kinh tế do dịch Covid-19 gây ra là chưa rõ ràng, nhưng hoạt động kinh tế tại Anh có thể suy giảm trong vòng vài tháng tới.

Tại Canada, Ngân hàng trung ương ngày 13/3 đã thông báo hạ lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, xuống 0,75%. Ngày 27/3, ngân hàng này tiếp tục thông báo hạ lãi suất chủ chốt xuống 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand, ngày 16/3 thông báo hạ lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống 0,25%. Ngân hàng Dự trữ Australia, ngày 19/3 chính thức cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,5% xuống còn 0,25%, mức thấp nhất trong lịch sử của nước này. Ngân hàng Trung ương Malaysia đã giảm lãi suất xuống mức thấp nhất từ năm 2010, trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc), Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất liên tục. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 16/3 đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống mức thấp 0,75%, giúp giảm thiểu tác động do dịch Covid-19 gây ra và bất ổn tài chính trên thị trường quốc gia này. Đây là lần hạ lãi suất khẩn cấp đầu tiên của BoK trong hơn 10 năm qua. Tiếp đó, ngày 28/5, BoK lại giảm thêm 0,25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục 0,5%.

Không chỉ cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng tái khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng (QE) với quy mô cao gấp nhiều lần so với trước để bơm thẳng tiền vào nền kinh tế. Theo đó, FED cam kết mua vào 750 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp; ECB cũng triển khai một gói QE mới với quy mô lên tới 750 tỷ EUR (tương đương 820 tỷ USD), nâng quy mô mua vào tài sản của cơ quan này trong năm nay lên tới 1.100 tỷ EUR, bằng khoảng 6% GDP của khu vực. Vào ngày 2/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hỗ trợ 500 tỷ yên (4,6 tỷ USD) để đảm bảo đủ thanh khoản trong hệ thống. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cung cấp 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 115 tỷ USD) và tương đương 0,8% GDP cho các ngân hàng với yêu cầu các ngân hàng sử dụng để cho các công ty bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 vay. Ngoài ra, các ngân hàng còn được yêu cầu hỗ trợ các công ty có khoản vay đến kỳ hạn.

Bên cạnh nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất và các chương trình QE, tại nhiều quốc gia ngân hàng trung ương phối hợp với bộ tài chính triển khai các kế hoạch can thiệp có mục tiêu rõ ràng hơn như hoãn, cắt giảm thuế, phí và các gói kích thích kinh tế khổng lồ để hỗ trợ cho các thành phần trong nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Chính phủ Australia đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 23 tỷ USD bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, trợ cấp lương cho người học việc và thanh toán một lần bằng tiền mặt cho người nhận phúc lợi xã hội. Anh công bố gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trị giá 330 tỷ bảng Anh, tương đương 15% GDP, cắt giảm khẩn cấp lãi suất từ ​​0,75% xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 0,25%. Pháp bơm 45 tỷ EUR vào nền kinh tế. Tây Ban Nha huy động các nguồn lực kinh tế lớn nhất trong lịch sử với gói cứu trợ 200 tỷ EUR, chiếm khoảng 20% GDP. New Zealand chi 12,1 tỷ NZD, tương đương 4% GDP, để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi, các gia đình có thu nhập thấp và chi trả cho người lao động không thể đi làm vì bị cách ly xã hội. Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỷ USD, theo đó người dân Mỹ sẽ nhận được tối đa 3.000 USD/hộ gia đình tùy theo mức thu nhập, hỗ trợ 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, 250 tỷ USD cho việc hỗ trợ thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho hệ thống y tế. FED tuyên bố cung ứng 4.000 tỷ USD hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vượt qua cuộc chiến chống Covid-19. Tại Nhật Bản, Chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay có trị giá khoảng 270 tỷ JPY (2,62 tỷ USD) để sử dụng cho các gói hỗ trợ kinh tế.

Chính phủ các quốc gia cũng thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giúp cho các công ty giảm bớt gánh nặng chi phí do hoạt động bị gián đoạn. Ví dụ như Italy cung cấp tín dụng thuế cho các công ty có doanh thu giảm 25% cũng như đã thông qua gói thanh khoản 750 tỷ EUR để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thụy Sĩ công bố gói hỗ trợ tài chính mới trị giá hơn 30 tỷ USD, hướng tới các doanh nghiệp nhỏ độc lập, các công ty một thành viên và người lao động. Canada thông qua chương trình trị giá 52 tỷ USD, trợ cấp lên tới 75% lương cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ngoài gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ USD, Chính phủ Mỹ yêu cầu Quốc hội nước này bổ sung thêm khoản vay mới trị giá 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ khi đã có tới 17.500 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương. Tại châu Á, Singapore có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm giảm thuế đối với tài sản thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc cung cấp tiền mặt cho các công ty nhỏ đang vật lộn để trả lương. Ở Trung Quốc, chính phủ đã yêu cầu các chủ nhà cắt giảm tiền thuê và cho các chủ nhà khu vực tư nhân trợ cấp để làm theo.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 81% lực lượng lao động đang bị ảnh hưởng do việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc do dịch Covid-19. Số người thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng tới 24,7 triệu người, trên nền số người thất nghiệp sẵn có trong năm 2019 là 188 triệu người. Do vậy, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ các quốc gia cũng thực hiện các biện pháp để bảo vệ người lao động bằng cách ngăn chặn việc sa thải và duy trì thu nhập ổn định. Cụ thể như chính phủ Trung Quốc đã ban hành một đợt cắt giảm tạm thời đối với các đóng góp an sinh xã hội. Trong khi đó, Nhật Bản trợ cấp tiền lương của những người buộc phải dành thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc trẻ em hoặc cho người thân bị bệnh. Singapore công bố trợ cấp tiền mặt cho những người sử dụng lao động đang phải chịu ảnh hưởng. Thêm vào đó, đứng trước khả năng dịch bệnh có thể kéo dài nhiều tháng, một số quốc gia đã tập trung vào các biện pháp mang tính dài hạn. Ví dụ, Bộ Đào tạo sau đại học, khoa học, nghiên cứu và sáng tạo Thái Lan đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho khoảng 40.000 người bị mất việc do dịch Covid-19 với chi phí 4,5 triệu USD, trích từ ngân sách tài khóa 2020. Bộ Giáo dục Australia cũng vừa công bố gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên nước này tham gia các khóa học ngắn hạn nhằm tái định hướng và bổ sung nguồn lao động đang thiếu hụt trong một số lĩnh vực.

Có thể nói, để giảm bớt tác động của dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã phối hợp nới lỏng CSTK với CSTT thông qua việc đưa ra các cam kết kích thích tiền tệ và tăng chi tiêu chính phủ tuy nhiên kết quả đạt được không thực sự khả quan. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng hiện nay phát sinh do đại dịch dẫn tới nền kinh tế các quốc gia nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung bị đình trệ, sản xuất đình đốn do bị đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Khi nền kinh tế chịu tác động của cả cú sốc tới tổng cung và tổng cầu như hiện nay thì không dễ dàng được giải quyết bởi những gói kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 có ảnh hưởng mạnh lên các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội mà chủ yếu vào ba khía cạnh tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 680 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Để hỗ trợ cho nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các tổ chức có liên quan đã triển khai nhiều biện pháp tích cực với trọng tâm là phối hợp hai nhóm CSTT và CSTK để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như chỉ đạo xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng) và miễn giảm khoảng 20.000 tỷ đồng các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân. Trọng tâm và lộ trình các gói hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ tín dụng; tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp  với những biện pháp cụ thể như sau:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Chỉ thị 02 CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Các NHTM đã 2 lần thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, với số tiền thực hiện tính đến nay là khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, NHNN đã 2 lần giảm mạnh lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Bộ Tài chính đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt chậm nộp. Cụ thể, theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền ước tính khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô. Dự kiến, khi các nghị định này được ban hành sẽ có thêm khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng. Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các ngành để rà soát, cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí và lệ phí với tổng số ước chừng 500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của WB thì Chính phủ Việt Nam đã chủ động kiểm soát mọi tình hình nên nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài. Quý I/2020, tăng trưởng của Việt Nam đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. WB nhận định, với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra. Việt Nam cũng đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với mức tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021và quanh mức 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục (WB, 2020). Tuy triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam theo nhận định của WB là khá tốt nhưng khó khăn và thách thức vẫn là rất lớn do đó định hướng chính sách của Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục phối hợp tốt CSTK và CSTT để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. 

Tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay có nguyên nhân từ dịch bệnh và các biện pháp cách ly xã hội phòng ngừa dịch bệnh, do vậy CSTT và CSTK nới lỏng thông thường không giúp gì nhiều trong việc đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm trong những giai đoạn người lao động buộc phải ở nhà. Thực tế hiệu quả chưa cao khi nới lỏng CSTT và CSTK ở một số quốc gia trong giai đoạn vừa qua cho thấy nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính toàn cầu chỉ có thể được phục hồi khi hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại và điều đó chỉ có thể xảy ra khi dịch bệnh được khống chế. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên thực hiện các biện pháp tài khóa hỗ trợ công tác ứng phó y tế công cộng và trợ cấp xã hội đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất. Cụ thể, Chính phủ nên cân nhắc tiếp tục các chương trình trợ cấp cho các dịch vụ y tế nhằm làm giảm căng thẳng, giúp hỗ trợ kiềm chế bệnh dịch, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội hướng tới việc giảm bớt gánh nặng phần nào cho những hộ gia đình thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm để giúp người lao động tái hòa nhập kinh tế sau dịch bệnh.

Thứ hai, cần tiếp tục các biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn để giúp họ vượt qua khó khăn và bình ổn tiêu dùng.

Các tổ chức tín dụng cần thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ ba, cần xây dựng phương án dự phòng cho giai đoạn hậu Covid-19.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất phục hồi thì nền kinh tế các quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung lại đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những gói kích thích kinh tế khổng lồ từ phía chính phủ các quốc gia cũng như hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính quốc tế có thể trực tiếp gia tăng tỷ lệ lạm phát. Các khoản nợ khổng lồ sẽ gây áp lực cho nền kinh tế nhiều quốc gia. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng dự kiến cũng sẽ tăng khi mà nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy vì dịch. Dư địa cho CSTT nới lỏng cũng không còn do lãi suất đã giảm xuống mức rất thấp, thậm chí tại nhiều quốc gia thì lãi suất còn ở mức âm. CSTK nới lỏng cũng khó có thể tiếp tục khi mà nhiều quốc gia đã phải chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để triển khai các gói cứu trợ. Bởi vậy, Việt Nam cần phải cân nhắc để đưa ra những điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

Tóm lại, CSTT và CSTK của Việt Nam vẫn nên ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong đó các biện pháp giãn, hoãn thuế phí và nợ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân giảm gánh nặng tài chính quan trọng hơn so với cắt giảm lãi suất hay/và phá giá VND. Thêm vào đó, cần đảm bảo những chương trình hỗ trợ có thể hướng vào đúng đối tượng, đúng nhu cầu nhằm giải quyết đúng những vấn đề mà doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải đối mặt do tác động của dịch Covid-19.

Tài liệu tham khảo:

- Ánh, V. Đ. (2020). Chính sách tiền tệ tín dụng ứng phó với dịch Covid-19. Tạp chí Ngân hàng, số tháng 7.

- Dương, B. (2020, May 6). Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó. Retrieved from http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/covid19-chinh-phu-tiep-tuc-trien-khai-dong-bo-chinh-sach-ho-tro-cong-dong-doanh-nghiep-vuot-kho-322544.html

- IMF. (2020). Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới. Washington D.C.: IMF.

- Phong, N. M. (2020, May 11). Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu Covid-19. Retrieved from http://baochinhphu.vn/ Kinh-te/Dong-luc-moi-cho-nen-kinh-te-thoi-hau-COVID19/395336.vgp

- Thắng, T. (2020, March 9). Chính phủ các nước đang làm gì để phục hồi nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Retrieved from http://tapchitaichinh.vn/ tai-chinh-quoc-te/chinh-phu-cac-nuoc-dang-lam-gi-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-trong-cuoc-khung-hoang-covid19-319838.html

- WB. (2020, April). East Asia Pacific in the time of Covid-19. Retrieved from https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/brief/east-asia-pacific-in-the-time-of-Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2020

TS. Trần Thị Vân Anh