Hệ thống ngân hàng đồng hành với các doanh nghiệp để hóa giải bài toán COVID-19
Diễn đàn tài chính tiền tệ - Ngày đăng : 12:07, 25/09/2020
Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng lớn đối với con người và các nền kinh tế. Thế giới đang phải làm quen và thích ứng với trạng thái “bình thường mới” . Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo ra cơ hội để thiết lập chuỗi cung ứng mới. Ngành ngân hàng với vai trò quan trọng là “mạch máu của nền kinh tế”, thực hiện nhiệm vụ đồng hành, trợ lực giúp các doanh nghiệp “hàn gắn vết thương” sau đại dịch, kết nối sự đứt gãy vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Bài viết điểm lại một số ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu, nêu ra những cơ hội mới cho Việt Nam và những hành động của ngành ngân hàng Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội và định hình lại tương lai trong môi trường “bình thường mới”.
Banking system in accompany with enterprises to solve problems caused by the Covid-19 pandemic
Abstract: The Covid – 19 pandemic has been causing enormous damage to people and economies. The world is getting used to and adapting to the "new normal" state. The disruption in the global supply chain has created opportunities to establish new supply chains. Banking industry plays an important role as the "blood vessel of the economy", has been accompanying, supporting businesses to "heal the wounds" after the epidemic, connecting the disruption to new supply chain. The article reviews some of the effects of the Covid – 19 pandemic on the global economy, pointing out new opportunities for Vietnam and the actions of the Vietnamese banking industry to assist businesses in seeking opportunities and re-shaping the future in a "new normal" environment.
Đến nay, Việt Nam bước đầu thành công trong chống dịch Covid-19 và tiến tới nới lỏng hoàn toàn mệnh lệnh cách ly xã hội, trong khi đó dịch bệnh vẫn đang diễn biến nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ. Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai ngày càng rõ khi nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Nhìn lại tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, có thể thấy sức “hủy diệt” của đại dịch Covid-19 đối với con người và các nền kinh tế là vô cùng thảm khốc. Hậu quả của nó chưa dừng lại tại thời điểm này mà có thể còn kéo dài nhiều năm tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo một khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến ngày 1/5/2020, “có 77% doanh nghiệp quyết tâm không thu hẹp qui mô sản xuất”. Điều đó cho thấy, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các gói tài khóa, an sinh xã hội... thì gói “tiền tệ - tín dụng” đã đóng vai trò như một “máy trợ thở đắc lực”, giúp các doanh nghiệp trụ vững, tiếp tục hành trình “không thu hẹp quy mô sản xuất”. Đặc biệt, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã đồng hành với các doanh nghiệp, cùng nhau hóa giải bài toán Covid-19 và cùng nhau định hình cho một tương lai mới sẽ diễn ra trong một môi trường phát triển “bình thường mới”.
1. Những thiệt hại do Covid-19 gây ra đang đẩy thế giới chuyển mình từ trạng thái “bình thường” sang “bình thường mới”
Những thiệt hại ban đầu do Covid-19 gây ra đối với nhân loại
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính đến hết tháng 4/2020, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới hơn 1.000 tỷ USD và làm đảo lộn mọi kịch bản tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cụ thể: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu -3%, khu vực đồng tiền chung châu Âu (EURO) -7,5%; khu vực châu Á tăng trưởng bằng 0; Trung Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,2% năm 2020 so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2020 là 6%, tuy nhiên tại kỳ họp Quốc hội diễn ra trung tuần tháng 5/2020, Chính phủ Trung Quốc cho biết: sẽ không đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Mỹ tăng trưởng -5,9%; Nhật Bản -5,2%, Singapore -3,5%, Thái Lan -6,7%, Malaysia -1,7%, Indonesia là 0,5% và Việt Nam là 2,7%...{1}, riêng Vương Quốc Anh mức tăng trưởng thấp kỷ lục kể từ 300 năm trở lại đây {1}... ; Đặc biệt, các tổ chức quốc tế nhận định: thảm họa đại dịch Covid-19 còn nặng nề hơn: đại khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933, khủng hoảng tài chính 2008.., thậm chí hơn cả đại chiến thế giới lần thứ 2. Đối với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc, cho thấy: đối với nước Mỹ, tính đến ngày 25/5/2020, Covid-19 đã cướp đi hơn 95.000 sinh mạng, kéo theo 33 triệu người thất nghiệp. Trung Quốc có khoảng 70 triệu người thất nghiệp, thậm chí theo một đánh giá khác thì đại dịch Covid-19 có thể đã đẩy 205 triệu lao động Trung Quốc rơi vào tình trạng thất nghiệp {3}. Những con số thống kê nói trên sẽ còn tiếp tục gia tăng và các dự báo sẽ bị thay đổi liên tục vì tại Mỹ và châu Âu hiện tại vẫn đang áp dụng chính sách “giãn cách xã hội” cho đến hết tháng 5/2020 và sẽ từng bước nới lỏng giãn cách để khôi phục kinh tế, trong khi vẫn phải chấp nhận chung sống với Covid. Hơn nữa, hiện tại một số nước lại tái bùng phát ổ dịch mới như Hàn Quốc và Trung Quốc... cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19.
Thế giới đang chuyển trạng thái “bình thường mới”
Từ những thiệt hại ban đầu do Covid-19 gây ra cho thế giới, có lẽ mong muốn của thế giới bây giờ là sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhưng chuyển trạng thái từ “bình thường” sang “bình thường mới”.
Thuật ngữ “bình thường mới” xuất hiện gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy: trước đây người dân châu Âu, Mỹ hay các quốc khác không có khái niệm đeo khẩu trang khi đi họp, đi học, đi ra khỏi nhà... thì nay đeo khẩu trang như một yêu cầu bình thường mới; trước đây gặp nhau tay bắt mặt mừng thì nay gặp nhau hạn chế bắt tay trực tiếp; trước đây các cuộc họp từ cấp độ doanh nghiệp đến cấp độ quốc gia thường diễn ra trực tiếp nay phần lớn chuyển sang họp trực tuyến; hay đối với lĩnh vực ngân hàng, việc chuyển đổi từ trạng thái thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến (online) dựa trên các thiết bị di động được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh trong những năm qua, đã được người dân đón nhận tích cực, đặc biệt là trong mùa đại dịch Covid-19.... Có thể thấy thế giới bắt đầu chấp nhận và vận hành theo một quy tắc mới. Quy tắc đó bắt nguồn từ sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 đã và đang gây tổn thất nặng nề về người, nếu mỗi người dân (nói rộng ra là mỗi quốc gia) không có biện pháp phòng chống kịp thời (đeo khẩu trang, giãn cách xã hội...). Quy tắc đó cũng bắt nguồn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu các quốc gia, các khu vực không thiết lập lại chuỗi cung ứng theo một cơ cấu mới thì khó có thể tự thân chống đỡ trước các làn sóng đại dịch mới bùng phát trong tương lai. Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thế giới thay đổi theo chiều hướng tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng theo hướng không dồn “trứng vào một rổ” mà đa dạng hóa hơn về lãnh thổ, thậm chí khép kín chuỗi sản xuất và cung ứng đối với một số hàng hóa thiết yếu ngay tại mỗi quốc gia để đảm bảo đối phó ngay lập tức nếu thảm họa có thể xảy ra trong một tương lai khó đoán định như hiện nay. Chính vì vậy, trạng thái “bình thường mới” đang đặt ra cho mỗi quốc gia hàng loạt cơ hội nhưng cũng đi kèm theo đó không ít khó khăn và thách thức trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng mới, với một tâm thế và trạng thái vận động mới. Ngành Ngân hàng không là ngoại lệ khi đang đóng vai trò là “mạch máu của nền kinh tế” giúp các doanh nghiệp hàn gắn vết thương sau đại dịch, kết nối sự đứt gãy vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới, và cùng nhau định vị cho một sự phát triển mới, diễn ra trong một môi trường kinh doanh mới.
2. Sự “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu và những cơ hội mới cho Việt Nam
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020 và sau đó lan rộng ra các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Trung Đông... đã kéo theo làn sóng thiếu “khẩu trang y tế” quét qua hầu hết các quốc gia như một phép thử về năng lực nội tại của mỗi quốc gia cũng bắt đầu dậy sóng theo đại dịch. “Khẩu trang y tế” thoạt nghe rất đơn giản, bởi quốc gia nào, công ty nào cũng có thể sản xuất được khẩu trang, nhưng tại sao lại để xảy ra sự cố nghiêm trọng này? Câu trả lời đơn giản đó là do thế giới đã đạt đến đỉnh cao trong chuyên môn hóa sản xuất, tạo ra chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu với chi phí thấp nhất sau hàng chục thập kỷ cùng nhau nỗ lực thực hiện thông qua các Hiệp định tự do thương mại, khuyến khích và thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Trung Quốc nơi được hầu hết các quốc gia trên thế giới lựa chọn để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như: “khẩu trang y tế”, và trở thành đại công xưởng gia công, chế tạo, chế biến.... cũng như trở thành trung tâm cung ứng cho toàn thế giới hàng loạt sản phẩm: từ khẩu trang y tế, máy trợ thở, các loại máy móc thiết bị y tế..., đến giày dép, vải vóc, quần áo, linh kiện ô tô, ti vi, tủ lạnh, máy ảnh, điện thoại di động, thiết bị 4G, 5G... nói tóm lại là không thiếu thứ gì, tất cả đều “made in China”. Tuy nhiên, cả thế giới bỗng giật mình trước cú sốc đại dịch Covid, đã tạo ra sự khan hiếm “khẩu trang y tế” trên khắp toàn cầu do sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng tại thị trường Trung Quốc. Từ chiếc “khẩu trang y tế” đã bộc lộ hàng loạt yếu kém của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sự phụ thuộc quá lớn của thế giới vào một số nước có sản xuất và cung ứng một hoặc một số mặt hàng thiết yếu nào đó (ví dụ như: khẩu trang y tế, máy trợ thở), buộc các nước phải nhìn nhận lại. Trong đó Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... bắt đầu tìm kiếm địa điểm sản xuất mới thay thế phần đứt gãy. Đây cũng chính là nguyên nhân kích hoạt làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc trong thời gian tới. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng trước đại dịch Covid-19, trong đó Mỹ đã từng kêu gọi các hãng sản xuất lớn quay lại Mỹ, nay thêm đại dịch Covid-19, được coi như giọt nước tràn ly, càng đẩy làn sóng dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn. Cùng với Mỹ, Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến trình này, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chi phí di dời nhà máy từ Trung Quốc sang các nước ASEAN như sau: hỗ trợ 2/3 chi phí đối với các doanh nghiệp nhỏ, 1/2 chi phí đối với các doanh nghiệp lớn; nếu các doanh nghiệp quay trở lại Nhật Bản sản xuất, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 3/4 chi phí đối với các doanh nghiệp nhỏ, 2/3 đối với các doanh nghiệp lớn {1}. Đặc biệt, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” gồm “bộ tứ kim cương” là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc để bàn kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và mời thêm 3 quốc gia khác là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia đối thoại {4}...
Như vậy, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hay một số quốc gia khác, sẽ là cơ hội mới cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã bước đầu thành công trong chống dịch Covid-19, cùng với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ổn định là lợi thế lớn, góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư lựa chọn. Trong đó, Apple nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới đang tiến hành tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển và đang triển khai sản xuất mẫu tai nghe không dây thế hệ mới nhất tại Việt Nam. Hay hãng sản xuất thiết bị gia dụng Panasonic của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất (máy giặt và tủ lạnh..) từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm khai thác tối đa công suất của hãng hiện đang vận hành tại Việt Nam... Rõ ràng với làn sóng dịch chuyển này, Việt Nam sẽ thu hút và tạo ra được hàng triệu việc làm trong thời gian tới. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội ngày 20/5/2020 cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động đến 5 triệu việc làm tại Việt Nam. Như vậy, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sau đại dịch nếu tận dụng được sẽ giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, tiền lương... cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng mới toàn cầu trong những thập niên tới. Khi Việt Nam trở thành “công xưởng mới” của thế giới thì hoạt động cung ứng các dịch vụ ngân hàng dành cho “công xưởng” cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn, sôi động hơn, và cạnh tranh hơn...
3. Các TCTD vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội và định hình lại tương lai trong môi trường “bình thường mới”
Có thể khẳng định hệ thống ngân hàng Việt Nam đã sớm vào cuộc, kề vai sát cánh với các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu chống dịch. Theo đó, ngày 13/3/2020, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19, ngày 31/3/2020 Thống đốc NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ngay sau hàng loạt Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ và trực tiếp là Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN, toàn hệ thống ngân hàng đã vào cuộc, cùng đồng hành với các doanh nghiệp nhằm duy trì ổn định sản xuất trong giai đoạn cách ly và tạo đà phục hồi, phát triển sau giãn cách xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức tín dụng, hàng loạt doanh nghiệp đã được duy trì và tiếp tục phát triển, cụ thể như sau: tính đến ngày 25/5/2020, toàn hệ thống Ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 151.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho gần 320.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất phổ biến từ 0,5% đến 2% so với trước dịch dành cho hơn 196.000 khách hàng là các doanh nghiệp, với tổng số vốn cho vay lũy kế tính từ ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch Covid -19 cho đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng; miễn giảm phí thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng. Để tiếp sức cho các TCTD có điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, không hạ chuẩn cho vay, theo đó ngày 13/5/2020, NHNN tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, bao gồm: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống còn 4.5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống con 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử lên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,9%/năm xuống còn 5,5%/năm; giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Sự chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp trong đại dịch đã được ước tính qua con số khá ấn tượng do Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV tính toán như sau: thu nhập của các NHTM năm 2020 có thể bị giảm khoảng 30-34 nghìn tỷ đồng, tương đương 26 - 30% tổng lợi nhuận năm 2019, hay giảm 20 - 23% thu nhập so với kế hoạch kinh doanh ban đầu. Cụ thể: (1) Thu nhập giảm do các chính sách hỗ trợ trực tiếp, như: (i) giảm lãi suất từ 0,5-1,5% với dư nợ hiện hữu (ii) giảm lãi suất đối với cho vay mới, (iii) cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm và không tính lãi phạt, (iv) miễn/giảm một số phí chuyển tiền... tổng các khoản chia sẻ hỗ trợ ước tính nói trên của các TCTD vào khoảng 17.722 tỷ đồng đến 21.828 tỷ đồng; (2) thu nhập giảm do các yếu tố gián tiếp như: (i) giảm doanh thu từ lãi do tín dụng tăng trưởng thấp, (ii) tăng trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng.... tổng các khoản chia sẻ hỗ trợ ước tính này của các TCTD vào khoảng 6.736 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu nhập toàn hệ thống ngân hàng dành để chia sẻ chi phí với các doanh nghiệp dự kiến giảm (trước thuế) dao động trong khoảng từ 29.990 tỷ đồng đến 34.096 tỷ đồng. Đây là con số “hỗ trợ” tương đối lớn, nếu so với vốn điều lệ của 1 NHTM thì mức 34.096 tỷ đồng bằng với vốn điều lệ của 1 NHTM lớn và bằng vốn điều lệ của 3 đến 4 NHTM tầm trung cộng lại. Từ những con số ước tính này, có thể thấy hệ thống ngân hàng cùng đồng hành với các doanh nghiệp để hóa giải kịp thời bài toán Covid-19 hiện tại và định hình tương lai trong môi trường phát triển “bình thường mới” - Đúng như chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp toàn quốc vào ngày 9/5/2020 đó là “cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.
Lời kết:
Thời gian tới, mức độ thiệt hại về người và tài sản có thể còn gia tăng mạnh, tác động tiêu cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô toàn cầu và Việt Nam, rất khó dự báo. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung hậu Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo theo đó là làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia nhằm tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ là bài toán khó đoán định trong năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu cùng nhau nỗ lực, cùng nhau vượt qua thách thức, cùng nhau đón thời cơ, cùng nhau tái thiết để phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ là phương châm hành động xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp, và các TCTD trong năm 2020.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Bản tin Truyền hình VTV1 lúc 9h ngày 10/5/2020; VTV1 lúc 20h10 ngày 3/5/2020; 21h30 ngày 6/5/2020; VTV lúc 19h15 ngày 20/5/2020 và 21/5/2020
2-Báo Tuổi trẻ online ra ngày 11/5 và 12/5/2020
3-Báo Dân trí online số ra ngày 12/5/2020
4-Báo Thanh niên số ra ngày 14/5 và 18/5/2020
5-Thời báo Ngân hàng số 76 (4035) ra ngày thứ hai 11/5/2020
6-Thời báo Ngân hàng số 78 (4037) ra ngày thứ Năm 14/5/2020)
7. Thông tư số 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19
8- Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Thông đốc NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid
9-Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 (545) ra tháng 4/2020
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2020