Ngành Ngân hàng luôn đảm bảo nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:46, 28/09/2020
Toàn cảnh phiên họp |
Cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 thẩm tra Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, những cuộc thẩm tra báo cáo đối với các bộ ngành đặc biệt quan trọng, NHNN lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế để có thêm nhiều thông tin về kinh tế xã hội nhằm tham mưu xây dựng chính sách và điều hành chính sách tiền tệ được tốt hơn.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, NHNN đã vào cuộc rất sớm, chủ động nắm bắt, dự báo, xây dựng kịch bản, chương trình hành động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua các giải pháp hỗ trợ rất cụ thể.
Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm phí trong thanh toán và đã hỗ trợ được số lượng lớn khách hàng và người dân.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp |
Đặc biệt, thời gian vừa qua giá vàng trên thế giới có những biến động khó lường và có những thời điểm tăng cao kỷ lục, tuy nhiên thị trường trong nước ổn định, không có những cơn sốt vàng, khẳng định những giải pháp quản lý vàng theo Nghị định 24 vủa Chính phủ vẫn có tác dụng tốt…
“NHNN vẫn luôn kiên định điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao vị thế của đồng tiền Việt Nam, tạo niềm tin cho người dân”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. “Còn về những giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt 2 của dịch COVID-19, quan điểm của NHNN là tìm các giải pháp là cần thiết nhưng cũng cần phải khả thi và triển khai nhanh. Ngành ngân hàng luôn đảm bảo nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất linh hoạt, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống”.
Tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là tiền đề, cơ sở xây dựng kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt bối cảnh năm 2020 với sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã làm tình hình thay đổi hoàn toàn so với những tín hiệu lạc quan và kết quả tích cực đạt được của năm 2019 và các năm trước.
Để chuẩn bị xây dựng 3 báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế ngoài các công văn đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã gửi công văn đề nghị VCCI và một số hiệp hội, tổ chức, các trường đại học, các chuyên gia có báo cáo, ý kiến, nhận định về các nội dung trên.
Sau phiên họp toàn thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban Kinh tế dự kiến sẽ tổ chức một số buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học và một số cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã và sẽ chủ trì, phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo để có thêm nhiều thông tin đa chiều phục vụ công tác thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội.