Thận trọng với tài khoản mạng xã hội mang tên ngân hàng

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 09:44, 29/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhiều đối tượng đã tạo lập các tài khoản mạng xã hội mang tên ngân hàng và lợi dụng việc trao đổi, thỏa thuận, giao dịch qua mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Giả danh nhân viên ngân hàng

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang đã xét xử vụ án lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền của người khác. Bị cáo Hồ Đăng Khoa (SN 1992, trú tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang) không có nghề nghiệp ổn định, không có tiền tiêu xài nên sử dụng các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên một để lừa đảo hơn 112 triệu đồng.

Theo đó, bị cáo Khoa cài đặt app ngân hàng điện tử Internet Banking của ngân hàng S., tạo tài khoản zalo đặt tên nick là S., giả danh cán bộ tư vấn vay vốn của ngân hàng S. đăng tải các thông tin về vay vốn tín chấp trên mạng Zalo.

Tháng 12/2018, anh Trần Văn H. đã liên lạc giao dịch với nick S. do bị cáo Khoa sử dụng và được Khoa tư vấn vay vốn hình thức tín chấp. Anh H. đã làm theo lời bị cáo, đến ngân hàng S. mở tài khoản rồi cung cấp thông tin tài khoản, thẻ cho bị cáo.

Số điện thoại đăng ký biến động số dư thì bị cáo quản lý và hứa hẹn sau khi làm hồ sơ vay vốn xong sẽ trả lại cho anh H.

Sau đó, theo lời tư vấn của bị cáo, anh H. đã chuyển tiền vào tài khoản để có số dư làm bảng lương. Do bị cáo quản lý số điện thoại đăng ký biến động số dư nên bị cáo biết anh H. đã chuyển tiền. Bị cáo sử dụng app Internet Banking của ngân hàng để chuyển số tiền sang tài khoản của bị cáo rồi chặn kết nối Zalo với anh H.

Với cách làm tương tự, bị cáo Khoa đã lừa nhiều người khác mở tài khoản ngân hàng, đưa cho bị cáo thông tin tài khoản, chuyển tiền vào tài khoản rồi bị cáo chuyển số tiền đó sang các tài khoản của bị cáo để chiếm đoạt tiêu xài.

Tổng cộng có 8 cá nhân đã chuyển tiền cho bị cáo với tổng số tiền hơn  112 triệu đồng. Tòa án đã tuyên phạt bị cáo Khoa mức án 2 năm 6 tháng tù và phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Thận trọng khi giao dịch qua mạng xã hội

Vụ việc nói trên không phải là cá biệt. Đã có nhiều trường hợp người dân bị lừa mất tiền khi giao dịch qua mạng xã hội như mua vé máy bay, mua voucher khách sạn, du lịch… Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Chỉ thị 21/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu rõ các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh…

Các cơ quan bảo vệ pháp luật nhiều lần khuyến cáo người dân cảnh giác trước đường link lạ, các cuộc điện thoại tự xưng cán bộ công an, kiểm sát viên… yêu cầu chuyển tiền. Theo Bộ Công an, cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Người dân chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Trang Bùi