Đại dịch COVID-19 giáng "ba lần sốc" vào các nền kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 15:04, 29/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - COVID-19 giáng ba cú sốc vào các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm: bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn, và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra. Cần nhanh chóng hành động để đảm bảo đại dịch không cản trở tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ nghèo trong những năm tới, là lời kêu gọi trong ấn phẩm 'Từ Ngăn chặn đến Phục hồi', Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế khu vực tháng 10/2020 của WB.

Ở một vài quốc gia đến nay đã ngăn chặn được vi-rút lây lan, hoạt động kinh tế đang được phục hồi. Nhưng nền kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào các khu vực khác trên thế giới, trong khi sức cầu trên toàn cầu vẫn yếu. Cả khu vực dự kiến chỉ tăng trưởng 0.9% trong năm 2020, là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1967. Trong khi Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020 - do đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, xuất khẩu mạnh và tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới ở mức thấp từ tháng 3, nhưng bị hạn chế bởi tiêu dùng trong nước suy giảm - các quốc gia còn lại ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (ĐA-TBD) được dự báo tăng trưởng bình quân âm 3,5% trong năm 2020.

Viễn cảnh của khu vực sẽ sáng sủa hơn vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng đạt 7,9% tại Trung Quốc và 5,1% ở các quốc gia còn lại trong khu vực, căn cứ vào giả định khôi phục tiếp tục diễn ra và hoạt động kinh tế trở lại bình thường ở các nền kinh tế lớn, và khả năng có vắc-xin. Tuy nhiên, tổng sản lượng dự báo vẫn thấp hơn mức dự báo trước đại dịch trong hai năm tới. Triển vọng trên càng ảm đạm hơn ở một số đảo quốc Thái Bình Dương có nguy cơ cao, với dự báo sản lượng vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng khoảng 10% vào cuối năm 2021.

Sau 20 năm, lần đầu tiên tỷ lệ nghèo của khu vực dự báo sẽ tăng lên: khoảng 38 triệu người sẽ vẫn nằm dưới ngưỡng nghèo hoặc bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo do hệ quả của đại dịch (tính theo ngưỡng nghèo của quốc gia thu nhập trung bình cao ở mức 5,50 USD mỗi ngày).

Với sự xuất hiện của COVID-19, chính phủ các quốc gia ĐA-TBD cam kết bình quân gần 5% GDP để củng cố hệ thống y tế công cộng, hỗ trợ các hộ gia đình, trợ giúp các doanh nghiệp tránh phá sản. Tuy nhiên, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô các chương trình an sinh xã hội còn khiêm tốn của họ, với mức chi trước đây chưa đến 1% GDP, bên cạnh đó việc tiếp tục hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực cho các nguồn thu của chính phủ.

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB: “COVID-19 không chỉ giáng đòn nặng nề nhất vào người đang nghèo, mà nó còn tạo ra ‘người nghèo mới'. Khu vực của chúng ta gặp những thách thức chưa từng có và chính phủ các nước đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn,”. “Nhưng hiện đang có những phương án chính sách khôn ngoan để làm dịu đi những lựa chọn đánh đổi đó - chẳng hạn đầu tư cho năng lực xét nghiệm và truy vết, mở rộng chính sách an sinh xã hội bền vững để che chở người nghèo và khu vực phi chính thức”, bà Kwakwa nói thêm.

Báo cáo cảnh báo rằng nếu không hành động trên nhiều mặt, đại dịch có thể làm tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới giảm đến 1 điểm phần trăm mỗi năm, trong đó tác động lớn nhất sẽ rơi vào các hộ nghèo vì họ ít có cơ hội tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm và tài chính.

Đợt đóng cửa trường học do COVID-19 gây ra có thể dẫn đến tổn thất 0,7 năm học tập ở các quốc gia ĐA-TBD, theo phân tích trong báo cáo. Vì vậy, học sinh trong khu vực sẽ phải đối mặt với mức giảm bình quân 4% thu nhập dự kiến cho mỗi năm trong cuộc đời đi làm sau đó của các em.

Nợ công và nợ tư nhân, không những làm cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng yếu đi và làm tăng bất định, mà còn gây rủi ro về đầu tư công và tư nhân, cũng như ổn định kinh tế - đúng vào thời điểm mà khu vực đang cần nhất. Bội chi ngân sách tăng cao theo dự báo ở ĐA-TBD sẽ làm nợ của chính phủ tăng thêm bình quân khoảng 7% GDP trong năm 2020. Báo cáo này kêu gọi phải cải cách tài khóa để tăng thu thông qua chính sách thuế lũy tiến và chi tiêu ít lãng phí hơn. Tại một số quốc gia, dư nợ hiện nay có thể đã trở nên thiếu bền vững và đòi hỏi hỗ trợ bên ngoài ở mức cao hơn.

Bên cạnh đó, khủng hoảng còn đẩy nhanh bốn xu hướng hiện hành về thương mại, bao gồm đẩy nhanh quá trình khu vực hóa ở ĐA-TBD, dịch chuyển các chuỗi giá trị toàn cầu  ra khỏi Trung Quốc, đẩy mạnh các dịch vụ số hóa, đồng thời tăng áp lực quay lại chủ nghĩa bảo hộ.

“Các quốc gia ĐA-TBD đã thành công trong ngăn chặn bệnh dịch và cứu trợ, nhưng vẫn sẽ phải vật lộn để khôi phục và tăng trưởng,”  ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhận định. “Ưu tiên hiện nay là duy trì trường học an toàn để bảo tồn vốn nhân lực; mở rộng cơ sở thuế còn hẹp để tránh phải cắt giảm đầu tư công; cải cách các ngành dịch vụ đang được bảo hộ để tận dụng các cơ hội công nghệ số đang nổi lên.”

Anh Lê