Kỳ vọng đổi mới chính sách bảo hiểm tiền gửi

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:31, 25/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trải qua hơn 20 năm áp dụng tại Việt Nam, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cùng với sự hoạt động tích cực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào tiến trình đổi mới đất nước, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Tới đây, sẽ có những đổi mới trong chính sách BHTG với mong muốn đưa chính sách BHTG đi sâu hơn vào đời sống, tiếp tục gia tăng niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng quốc gia.

Với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. BHTGVN luôn tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức BHTG trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tích cực phối hợp, tham mưu với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, thi hành các quy định của Luật BHTG và Luật NHNN, Luật Các TCTD… có liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN.

BHTGVN cũng chủ động cải tiến quy trình nghiệp vụ, đổi mới  công tác quản trị, điều hành phù hợp với quy định của pháp luật trong từng giai đoạn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD và vai trò giám sát tổ chức tham gia BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD.

Vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và hỗ trợ các TCTD yếu kém thực hiện cơ cấu lại. Thực hiện vai trò mới này, thời gian qua BHTGVN đã có những đóng góp nhất định trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.

Tính đến ngày 30/6/2020, BHTGVN thực hiện quản lý 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.182 quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, nhờ quá trình tích lũy từ phí BHTG, đầu tư theo quy định của pháp luật và quản lý tài chính bài bản, tổng tài sản của BHTGVN ước tính đạt gần 64.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể của tổ chức BHTGVN sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là một yêu cầu khách quan nhằm bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, góp phần tạo môi trường pháp lý cho tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững. BHTGVN cần chủ động đề xuất với NHNN trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng hoàn thiện chính sách BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế, để BHTGVN có vai trò hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro TCTD; tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN; giúp Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTGVN vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu.

Đồng thời, cần chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ BHTG, cụ thể: (i) nâng cao chất lượng giám sát, ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến kết hợp kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn và xử lý sai phạm đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhất là tổ chức tham gia BHTG yếu kém; (ii) tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tham gia BHTG yếu kém thông qua việc phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án xử lý phục hồi, xây dựng phương án phá sản, hỗ trợ tài chính...

Đáng chú ý, vào cuối tháng 7/2020, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền BHTG với định hướng nâng lên so với mức áp dụng hiện nay đã được lấy ý kiến công chúng. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng. Hạn mức mới nếu được phê duyệt sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, người dân thêm hiểu, thêm tin tưởng vào chính sách BHTG và hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về quy mô vốn cũng như khối lượng tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế.

Chính sách BHTG là một thành tố không thể tách rời trong tổng thể chính sách ngân hàng. Những yếu tố tác động tới hoạt động ngân hàng, tạo ra nguy cơ đổ vỡ TCTD và tổ chức BHTG phải đứng ra chi trả có thể xuất phát từ mọi hướng. Do đó, những cải cách chính sách BHTG trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ giúp BHTG thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống các TCTD, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của toàn ngành Ngân hàng cũng như củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD.

 

Ngọc Nhi