Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tại Vietcombank chi nhánh Sở Giao dịch

Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 18:19, 29/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là lá cờ đầu của một NHTM có bề dày truyền thống lịch sử, bên cạnh việc thường xuyên chú trọng xây dựng, đào tạo nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch còn không ngừng nỗ lực tạo dựng và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, lấy đạo đức trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là định hướng xuyên suốt và cốt lõi để tạo nên những lớp cán bộ có đủ tài và đức.

Hơn một nửa thế kỷ đã qua đi kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cõi vĩnh hằng nhưng di sản to lớn của Người để lại cho các thế hệ mai sau luôn là một kho báu đầy giá trị, không chỉ về mặt lý luận mà còn có giá trị thực tiễn vô cùng phong phú.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ. Một trong những bài giảng đầu tiên của Người cho tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước của Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước là bài giảng về “tư cách người cách mạng”. Đến khi viết Di chúc, Người vẫn dành một phần quan trọng để bàn về vấn đề đạo đức, coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cán bộ.

Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Ngay từ những năm đầu xây dựng đất nước, trên cương vị người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đạo đức của các cán bộ. Quan điểm đạo đức nghề nghiệp của Người bắt nguồn từ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng. Người cho rằng việc tu dưỡng đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ với phạm trù trung tâm là “Đức” và “Tài” phải được đặt lên hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là “nguồn cội”, là nền tảng của người cán bộ, Người chỉ rõ: “Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, trăm sự thành bại đều do cán bộ tốt hay xấu”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20-2-1952, Người đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.

Như vậy, bên cạnh việc cần nâng cao trình độ chuyên môn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ kinh tế tài chính là phải  “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu” vì được giao phụ trách nhiều tiền của, tài sản quốc gia. Người đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý… Chúng ta có thể hiểu phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức thuộc về phạm trù “Đức”; còn trình độ và năng lực… thuộc về phạm trù “Tài”. Song việc tạm tách như vậy chỉ mang tính chất tương đối, bởi ngay trong từng việc cụ thể đức và tài đan xen, hàm chứa trong nhau. Trong một chừng mực nào đó giữa hai phạm trù đức và tài trong đạo đức của người cán bộ luôn cần được thể hiện thống nhất như một chỉnh thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của mối quan hệ “Đức” và “Tài”. Ở Người, “Đức” và “Tài” là một, “Đức” là biểu hiện của “Tài” và “Tài” là biểu hiện của “Đức”.

Vận dụng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp tại Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch:

      Chi nhánh Sở giao dịch là đơn vị duy nhất trong hệ thống Vietcombank đạt danh hiệu Chi nhánh đặc biệt xuất sắc 5 năm liên tiếp (giai đoạn 2015-2020). Tổng quy mô tài sản sinh lời năm 2019 đạt trên 5 tỷ đô la Mỹ, trong đó, huy động vốn đạt 90.000 tỷ đồng và dư nợ đạt trên 32.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc triển khai hoạt động kinh doanh với những thành công ấn tượng, Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch luôn nỗ lực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, chú trọng xây dựng chuẩn mực, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thông qua việc tuyên truyền, phát động, lan tỏa việc học tập và vận dụng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc đào tạo về kiến thức, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn cho cán bộ, Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch còn coi trọng yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, coi việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của mỗi cán bộ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu phát triển ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững.

Cán bộ nhân viên Vietcombank Sở Giao dịch luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp, phát huy bản sắc thương hiệu, giá trị văn hóa, không ngừng nỗ lực sáng tạo, đổi mới và luôn tận tâm với khách hàng

 Xác định hoạt động ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn liền với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro thường trực, trong đó rủi ro đạo đức là nguy cơ ngày càng lớn. Đồng thời, là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ là điều hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực yếu kém không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước. Chính vì thế, Ban lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch đã nhận định và đặt ra mục tiêu phải quản trị tốt, giảm thiểu nguy cơ rủi ro này thông qua giáo dục đạo đức nghề nghiệp và coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình hoạt động. Bên cạnh việc xây dựng quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, Chi nhánh Sở giao dịch còn thiết lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt từ những quy trình, quy định trong các hoạt động kinh doanh, thường xuyên thực hiện tập huấn, tổ chức các chương trình đào tạo cho tất cả các cán bộ từ những bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng, giao dịch viên, thủ quỹ, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng tới các bộ phận nghiệp vụ khác của ngân hàng. Trong công tác tuyển dụng cán bộ, đạo đức nghề nghiệp được coi như một tiêu chí tiên quyết để lựa chọn cán bộ.

Thông qua những định hướng của Ban lãnh đạo, toàn thể cán bộ tại Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngân hàng, đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”:

Một là, cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động, làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao để mang lại hiệu quả cao trong công việc được giao, thích nghi, biết học tập và tiếp thu cái mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong mọi hoàn cảnh.

Hai là, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh xa hoa, lãng phí của cải vật chất và tinh thần, đấu tranh với lối sống gấp, sự xa xỉ, lãng phí chạy theo thị hiếu không lành mạnh về văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.

Ba là, liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không vi phạm các thói xấu như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, tư lợi bất minh... để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và mang lại hậu quả khó lường trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Bốn là, thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái, việc phải, việc đúng thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh. Đối với bản thân thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với đồng nghiệp, không nịnh người trên, không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, trung thực, không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc. Trong mọi hoàn cảnh, không để đồng tiền chi phối hành vi của mình, không sử dụng sự kém hiểu biết của khách hàng để sách nhiễu, bắt bí, mang lại lợi ích cho bản thân, không lấy tiền thừa của khách, bí mật tuyệt đối số dư tiền gửi của khách.

Năm là, công bằng, công tâm, vô tư, không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc, không vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng.

Sáu là, luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ngân hàng và các quy định pháp luật khác, tuân thủ quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước nói chung, của Vietcombank nói riêng. Không làm tắt, không bỏ khâu nào trong quy trình nghiệp vụ để tránh xảy ra sai sót. Luôn ý thức trách nhiệm của bản thân trước tập thể, phải biết đặt lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân.

Bảy là, luôn cẩn trọng mọi công việc nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường. Luôn thực hiện chắc chắn trong từng khâu, làm khâu nào chắc khâu ấy.

Tám là, không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề. Chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng, tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng, trong công việc thể hiện lối sống có văn hoá, có thái độ tôn trọng và có nghệ thuật ứng xử với khách hàng.

Chín là, nêu cao tinh thần sẵn sàng thay đổi, tiếp thu cái mới, mạnh dạn đổi mới sáng tạo cả trong tư duy và phong cách làm việc, nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh.

Mười là, luôn có ý thức và thực hành việc nêu gương từ Ban lãnh đạo Chi nhánh đến đội ngũ lãnh đạo các Phòng, bộ phận, giữa các cán bộ cũ và các cán bộ mới để đạo đức, tinh thần cần – kiệm- liêm – chính trở thành nguyên tắc bất biến và ngày càng được lan tỏa rộng khắp.

Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức của cán bộ ngân hàng ngày càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực, khoảng cách giữa cái tốt và cái xấu là hết sức mong manh, đòi hỏi người cán bộ ngân hàng luôn giữ vững  bản lĩnh, thường xuyên trau dồi tri thức và đạo đức nghề nghiệp. Từ những đức tính, phẩm chất đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, mỗi cán bộ Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch cần cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, trong triển khai, thực thi nhiệm vụ. Những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm ở mỗi cá nhân sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng, bồi đắp, khẳng định thêm truyền thống văn hóa đậm bản sắc của Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch.

Lê Thị Vân Trang