Hạ lãi suất tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế 

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 04/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc hạ lãi suất điều hành lần này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ hiệu quả hơn bởi đã có các dấu hiệu tích cực về phục hồi sản xuất trong nước. 

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID -19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm chủ động, khẩn trương, quyết liệt và kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng, lãi suất hỗ trợ nền kinh tế ứng phó đại dịch.

Ngày 1/10/2020, trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,25%/năm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng (hiện còn 4,5%/năm)

Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện về mức 4,5%/năm). 

Cụ thể, ngày 17/3/2020, NHNN giảm 0,5-1%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD. Ngày 13/5/2020, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp đó, ngày 1/10/2020, NHNN tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,25%/năm trần lãi suất tiền gửi VND và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Có thể nói, NHNN là một trong những ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Cụ thể, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay của TCTD giảm khá mạnh so với đầu năm. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND của các TCTD phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5- 4,0%/năm đối với tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm.​ Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Ngoài các lần giảm các mức lãi suất điều hành trên, ngày 6/8/2020, NHNN cũng đã công bố quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của TCTD, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN. 

Đặc biệt, trong quyết định giảm lãi suất lần này, với việc giảm lãi suất cho vay kì hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực này vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 đồng thời có nguồn vốn rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch qua đi. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã được giảm hai lần, tổng cộng 1%. 

Nhà điều hành đã phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt 

Việc hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN đang được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ hiệu quả hơn bởi đã có các dấu hiệu tích cực về phục hồi sản xuất trong nước. 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đang từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện "bình thường mới". Trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II, như nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, và dịch vụ đều tăng trưởng gần 3%. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, gần 46% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng quý cuối năm sẽ tốt hơn. Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam có hình chữ "V" và chúng ta đang trong giai đoạn có tín hiệu bật lên, phục hồi tăng trưởng trở lại.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - Viện phó Viện đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN được xem là phản ứng rất nhanh và linh hoạt của nhà điều hành chính sách, đặc biệt trong ngắn hạn, quý IV năm nay và cho quý I năm sau 2021. Đây là thời điểm vàng vào mùa tiêu dùng, và cũng là lúc nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng trở lại cho các vấn đề như tăng đầu tư, tiếp thị, lương…

"Chắc chắn sẽ hấp thu tốt hơn, bởi tính thời điểm, đặc thù nền kinh tế Việt Nam quý IV năm nay và quý I đầu năm sau chắc chắn sẽ có dấu hiệu tốt hơn. Và đặc biệt Việt Nam, trong 9 tháng qua vẫn có những ngành xuất khẩu vẫn đạt được hiệu quả, ví dụ như trái cây và nông nghiệp vẫn giúp đỡ nền kinh tế rất nhiều, vậy những ngành có tính chất hấp thu vốn ngắn hạn như vậy sẽ có chuyển biến tích cực", ông Nghĩa cho biết.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN từ đầu năm đến nay, nhiều NHTM đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại BIDV, từ tháng 7/2020, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5% - 3,0%/năm so với thời điểm truớc dịch covid-19. Trong quý III/2020, VietinBank đã triển khai gói ưu đãi lãi suất với quy mô 60.000 tỷ đồng và 600 triệu USD, trong đó lãi suất cho vay từ 4,3%/năm đối với VND và 2,0%/năm đối với USD (giảm tiếp 0,2 - 0,5%/năm so với gói ưu đãi lãi suất quý II/2020). 

Nhờ đó, tín dụng đối với nền kinh tế trong quý III/2020 đã khởi sắc, cụ thể tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và đến 30/9/2020 tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ, cùng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành ngân hàng, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt 8-10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh

Khoảng 192 lượt hạ lãi suất trên thế giới từ đầu năm đến nay

Trên thế giới, trong bối cảnh dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, Chính phủ và NHTW nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành, thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. 

Chính sách tiền tệ - tín dụng được NHTW các nước tập trung vào các giải pháp chính như: Hạ lãi suất điều hành nhằm định hướng lãi suất thị trường và giảm chi phí vốn cho ngân hàng thương mại (NHTM) (qua cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu và các nghiệp vụ NHTW khác) để qua đó tạo điều kiện cho NHTM hạ lãi suất cho vay. Đến ngày 15/9/2020, có tổng cộng khoảng 192 lượt hạ lãi suất (trong đó có Việt Nam) và 4 lượt tăng lãi suất của các NHTW trên toàn thế giới.

Trong khi đó, một số nước (như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các NHTM có thêm nguồn vốn cho vay, qua đó gián tiếp bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Hoặc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua cam kết mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán thế chấp bằng nhà ở (chẳng hạn, Mỹ triển khai gói nới lỏng định lượng “không giới hạn” mua trái phiếu, kể cả trái phiếu các bang. EU có chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.350 tỷ EUR ít nhất đến giữa năm 2021, bổ sung 120 tỷ EUR cho chương trình mua tài sản năm 2020 bên cạnh chương trình mua hàng tháng trị giá 20 tỷ EUR/tháng. Nhật Bản nâng hạn mức mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu lên 20 nghìn tỷ Yên, tương đương 186 tỷ USD;…) 

NHTW một số nước (như Anh, Nhật Bản, Thái Lan) cho các NHTM vay lãi suất thấp để các NHTM cho vay lãi suất ưu đãi hơn - một dạng hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt Trung Quốc còn mua lại các khoản cho vay của các NHTM đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thanh khoản, tạo nguồn vốn giá rẻ cho các NHTM tiếp tục cho vay. Hoặc cung cấp các chính sách tín dụng ưu đãi (Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Việt Nam). Hay cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn  (như Việt Nam, Trung Quốc, Anh).

Các chính sách khác như tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống tài chính thông qua việc thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ; nới lỏng các điều kiện đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng cũng như các quy định về kiểm soát dòng vốn nhằm thu hút tối đa các dòng vốn nước ngoài và hạn chế tình trạng rút vốn diễn ra trên diện rộng. 

Đây là các chính sách áp dụng trong bối cảnh đặc biệt, với mức độ nới lỏng khác nhau, tùy thuộc từng quốc gia. Tuy nhiên, đa phần các quốc gia, dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp do lãi suất rất thấp và cận mức âm; do đó, các nước tập trung nhiều hơn vào sử dụng chính sách tài khóa để thể hiện vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng, đặc biệt trong dài hạn. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng đối với Việt Nam trong xây dựng, hoạch định chính sách vĩ mô hỗ trợ kinh tế ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. 

Trong đánh giá mới nhất về COVID-19 và chính sách ứng phó của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các giải pháp chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là phù hợp, song dư địa chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp. IMF khuyến nghị, Việt Nam cần có liều lượng chính sách nhiều hơn từ chính sách tài khóa.

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2020 trước ảnh hưởng của COVID-19, tại Báo cáo “Điểm lại – một ấn bản thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam” ngày 30/7/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) có đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 ở mức 2,8%. Còn IMF trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 công bố ngày 24/6/2020 dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 ở mức 2,7%. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế được Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố hôm 6/8/2020, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2020.

Phương Chi