Thanh toán không dùng tiền mặt: Cơ hội để phát triển đột phá

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:33, 05/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đặt vấn đề phân tích cơ hội để phát triển đột phá hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội ở phạm vi toàn cầu và mức độ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, đặc biệt là đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn đó cũng phát sinh, phát triển những cơ hội và thuận lợi cho một số lĩnh vực hoạt động, trong đó những cơ hội về mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và nhận thức người dân về sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực. Với ý nghĩa đó, bài viết đặt vấn đề phân tích yếu tố này như một cơ hội để phát triển đột phá hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt và xu hướng phát triển tích cực

Xét về mặt yêu cầu và xu hướng phát triển, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, phát triển hiệu quả gắn liền với một số xu hướng phát triển tích cực sau:

Thứ nhất, các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển đa dạng và tiện ích, linh hoạt theo nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường.  gắn liền với các yếu tố thị trường mỗi ngân hàng có những sản phẩm hấp dẫn thu hút khách theo từng phân khúc thị trường và lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.

Thứ hai, dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh và có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Đặc biệt là dịch vụ liên quan đến tài khoản khách hàng, tài khoản cá nhân, với các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt: thẻ, ví điện tử, internet banking; mobile banking… trong đó thanh toán qua ví điện tử (liên kết bởi ngân hàng và các trung gian thanh toán) đã và đang được người dân sử dụng ngày càng phổ biến hơn, mở rộng và tăng trưởng cao nhất là tại các thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số thành phố trung tâm khác…

Thứ ba, nền tảng và điều kiện cho tăng trưởng và phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay rất tốt. Với tất cả các cơ sở hạ tầng sẵn có, dịch vụ ngân hàng sẵn có và sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng điện tử trong giai đoạn (2016-2020), là điều kiện thuận lợi, thời cơ để đột phá tăng trưởng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố, kết quả quan trọng này phản ánh cụ thể trên một số lĩnh vực sau:

- Dịch vụ thẻ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực gắn liền với tốc độ tăng trưởng cao của hệ thống máy POS. Theo đó so với cuối năm 2016, số lượng thẻ trên địa bàn thành phố tăng 39,2%; số lượng máy POS đạt 52.300 máy, tăng  trên 43% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, số lượng máy ATM chỉ tăng 1,86%. Đây là sự tăng trưởng tích cực theo hướng mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng đã sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS ngày càng phổ biến hơn.

- Dịch vụ internet banking, mobile banking trên địa bàn phát triển nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này, gắn liền với quá trình phát triển của các hoạt động thương mại điện tử và các dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, giao thông vận tải. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các ngân hàng thương mại nói chung và trên địa bàn nói riêng phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ứng dụng trên nền tảng công nghệ số, trên môi trường mạng; máy tính và điện thoại thông minh. Theo đó, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng nhanh qua từng năm. Trong đó doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ thanh toán qua Internet bình quân tăng khoảng 11,58%/năm, cá nhân tăng 11,04%/năm, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua Mobile bình quân tăng 10,5%/năm.

Thứ tư, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ của các ngân hàng ngày càng phát triển, theo xu hướng phù hợp với sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số TCTD đã ứng dụng sinh trắc học và công nghệ hiện đại trong phát triển dịch vụ, theo xu hướng số hóa và tự động hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ thu hút khách hàng bằng tiện ích và lợi ích mang lại tối đa hóa từ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Trong quá trình này, trên cơ sở định hướng và các đề án phát triển ngân hàng số của NHTW, các TCTD đã và đang tích cực chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những vấn đề thuộc tồn tại hạn chế trong mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ khách hàng, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là nhận thức và ý thức trong sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động mua bán, thanh toán và tiêu dùng hàng ngày của người dân, của doanh nghiệp. Cải thiện và thay đổi được tình hình này, sẽ là giải pháp đột phá trong mở rộng và tăng trưởng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và trên thực tế, thời cơ đã xuất hiện gắn liền với những khó khăn phát sinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội người dân thành thị đã và đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, quét mã QRCode để thanh toán, đặt mua hàng mà không cần đến trực tiếp các cửa hàng, trung tâm thương mại… Sự thay đổi tích cực này, là thời điểm để mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt mang ý nghĩa đột phá, hiệu quả hơn mọi hình thức truyền thông, quảng cáo và thông tin. Bằng tiện ích và lợi ích mang lại thực tiễn của việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua điện thoại, internet banking và mobile banking đã và đang thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nói chung và khu vực đô thị nói riêng.

Lợi ích mang lại và hình thành những “thói quen” tích cực

Có thể nói, lợi ích là giá trị cốt lõi và là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng, để “bán hàng” đối với mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức kinh tế khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Ý nghĩa này cũng đúng và quan trọng đối với các ngân hàng thương mại trong quá trình cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho khách hàng và nền kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong suốt thời gian qua, việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ, nhất là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế mặc dù đã có chuyển biến tích cực và xu hướng tăng trưởng tốt qua từng năm, song đánh giá chung vẫn còn nhiều hạn chế, không phải vì chất lượng, tiện ích của dịch vụ và ở trường hợp nào đó, nhìn từ góc độ thị trường cũng không phải là “giá” mà nguyên nhân cơ bản vẫn thuộc về phía khách hàng và nền kinh tế, với thói quen sử dụng tiền mặt, thói quen mua sắm truyền thống và những vấn đề khác có liên quan, đã làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình mở rộng  và thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên như đã phân tích ở phần trên những yếu tố mang tính đột phá cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển đã xuất hiện, gắn liền với những thay đổi về nhận thức, tư duy và đặc biệt là những lợi ích thiết thực của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mang lại cho người dân đã và đang thuyết phục ngày càng nhiều người sử dụng hơn, sức lan tỏa ngày càng lớn trong các tầng lớp dân cư, nhất là khu vực Đô thị. Đánh giá về động lực này, gắn liền với 02 yếu tố chính sau:

Thứ nhất, việc mua bán qua mạng, qua các trang thương mại điện tử và đặc biệt việc mua bán qua hình thức vận chuyển hàng đến tận nhà (), thanh toán online qua ví điện tử sử dụng điện thoại thông minh, được sử dụng phổ biến hơn trong thời gian gần đây, đại dịch và giãn cách xã hội đã khuyến khích người dân mua bán qua hình thức này nhiều hơn. Đó là diễn biến bình thường, song khác thường và mang lại giá trị vô cùng lớn - đó là nhận thức và hình thành dần thói quen sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để mua bán, phục vụ sinh hoạt đời sống – đó là lợi ích mang lại vô cùng to lớn, hơn mọi hình thức thông tin, tuyên truyền và quảng cáo khi hiệu ứng mang lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và các TCTD, các trung gian thanh toán cần đặc biệt quan tâm để khai thác, để phát huy yếu tố này trong phát triển dịch vụ và trong hoạt động mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, hiệu quả thanh toán dịch vụ điện, nước, điện thoại, phí bảo hiểm; truyền hình cáp; học phí, viện phí; chi trả lương qua tài khoản… và dịch vụ công trực tuyến đã và đang có sức lan tỏa, thu hút khách hàng và dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư. Đây là kết quả quan trọng và là quá trình đầu tư, phát triển, quan tâm của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng tại các địa phương (NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố; NHNNVN); hệ thống NHTM, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; các công ty, doanh nghiệp, người dân, đến các đơn vị hành chính sự nghiệp và chính quyền tại các địa phương đã phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao, gắn với hoạt động cải cách hành chính. Kết quả này không chỉ mang lại những lợi ích tối đa cho các thành viên tham gia hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, mà quan trọng nhất và có ý nghĩa đột phá nhất – trở thành cơ hội để phát triển, đó là nhận thức và sự thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ này, từ đó sẽ lan tỏa sang các dịch vụ khác, bởi khi doanh nghiệp, người dân đã quan tâm và mở tài khoản tại ngân hàng để sử dụng các sản phẩm dịch vụ, thì việc sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại hiện nay chỉ là vấn đề thời gian.

Với hiệu quả và yếu tố đột phá như đã phân tích ở phần trên, các TCTD cần đặc biệt quan tâm khai thác và có giải pháp để phát triển dịch vụ ngân hàng, nắm bắt cơ hội và tiếp tục thực hiện kết hợp với công tác marketing và truyền thông truyền thống để tận dùng thời cơ này trong phát triển dịch vụ ngân hàng và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

TS. Trần Trọng Huy