Hội nghị thường niên Hội thẻ năm 2020: Thanh toán thẻ - Cơ hội và thách thức trong thời kỳ số hóa

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 15:08, 09/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 9/10/2020, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Hội thẻ năm 2020, với chủ đề: “Thanh toán thẻ - Cơ hội và thách thức trong thời kỳ số hóa các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt”.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các diễn giả và các ngân hàng thương mại (NHTM) đều có chung nhận định, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán thẻ tiếp tục phát triển tích cực… hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy TTKDTM, hạn chế tiếp xúc.

Dịch COVID-19 khiến doanh số sử dụng thẻ giảm

Báo cáo Tổng kết hoạt động thẻ ngân hàng Việt Nam năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tuấn cho biết, số lượng thẻ lưu hành cuối năm 2019 đạt 103 triệu thẻ (tăng 16,5 triệu thẻ so với năm 2018), trong đó số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2019 là 22 triệu thẻ. Số lượng thẻ phát hành mới trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 10 triệu thẻ. “Hầu hết các loại thẻ đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ về số lượng thẻ phát hành mới; trừ thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt, thậm chí tăng trưởng thẻ ghi nợ quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 là 24%, cao hơn năm 2019 đạt 23%”, ông Tuấn cho biết.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống 9% (tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường năm 2019 đạt 24%). Trong đó, tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm xuống còn 6% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 tăng trưởng 19%). Doanh số sử dụng thẻ quốc tế vẫn tăng tốt ở mức 22% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 đạt 47%).

Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 3% (năm 2019 tăng trưởng 11%). Doanh số rút tiền mặt chiếm 79% trên tổng doanh số thanh toán thẻ trên thị trường. Doanh số thanh toán rút tiền mặt giảm 1% trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó: 90% doanh số thanh toán rút tiền mặt tại thị trường Việt Nam vẫn đến từ thẻ nội địa.

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ tại mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận giảm 7% (năm 2019 đạt 27%), trong đó: Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ quốc tế giảm 9%, giảm mạnh hơn so với thẻ nội địa (giảm 4%).

Tính đến ngày 30/6/2020, số lượng ATM lưu hành trên thị trường đạt 19.307 máy. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số rút tiền mặt/ATM/tháng giảm 4%, còn 11,03 tỷ đồng/máy/tháng (Năm 2019: 11,47 tỷ đồng/máy/tháng, tăng trưởng 3%).                                                                    

Số lượng máy POS đang lưu hành đạt 189.389 máy, giảm mạnh so với năm 2019. Thống kê cho thấy, hiệu suất giao dịch trên 1 POS ở Việt Nam tăng qua các năm và đạt tăng trưởng 15% trong 6 tháng đầu năm 2020. Loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS vẫn là thẻ quốc tế (chiếm tỷ trọng 73%), tỷ trọng này có thay đổi so với năm 2019 do ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa biên giới do COVID-19.

Báo cáo được Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam công bố cho thấy, điểm sáng trong bức tranh thanh toán thẻ những tháng đầu năm 2020 là doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa tại kênh thanh toán mới (mPOS, QR, Ecom) có tăng trưởng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số thanh toán Ecom thẻ nội địa tăng trưởng cao ở mức 81%. Đến nay, trên thị trường có 6 ngân hàng triển khai mPOS (bằng với năm 2018) và 11 ngân hàng triển khai QR (năm 2018 là 6 ngân hàng).

Về kết quả hoạt động của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam năm 2019 và 6 tháng năm 2020, ông Đào Minh Tuấn cho biết, Hội đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị với NHNN về các chính sách liên quan đến hoạt động phát hành và thanh toán thẻ; xây dựng nguyên tắc chia sẻ phí ATM/POS giữa các ngân hàng, với mục tiêu thúc đẩy thị trường phát triển bền vững và cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, căn cứ các đề xuất lên NHNN về chính sách phí. Hiện NAPAS và Hội thẻ đang phối hợp xây dựng chính sách phù hợp để thống nhất giữa các ngân hàng…;

Đặc biệt, trong năm 2019, các ngân hàng thành viên Hội thẻ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc với tổ chức thẻ quốc tế Mastercard và Visa về các vấn đề liên quan đến mức phí các tổ chức thẻ quốc tế đang áp dụng tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng của các ngân hàng. Trong những tháng đầu năm 2020, Hội thẻ cũng đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn và làm việc trực tiếp với tổ chức thẻ quốc tế về đề xuất chính sách hỗ trợ các ngân hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Công tác quản lý rủi ro cũng đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Hội tổ chức họp định kỳ hàng quý về việc cập nhật thông tin rủi ro các phương án phòng ngừa rủi ro trong đó tập trung vào vấn đề phòng ngừa ATM Skimming. Căn cứ vào tình hình ATM Skimming diễn ra phức tạp, Tiểu ban Quản lý rủi ro đã triển khai một số nội dung công việc để ngăn chặn các đối tượng tội phạm, có thể kể đến như: Trao đổi và chia sẻ giữa các ngân hàng về phương án phòng ngừa ATM Skimming; triển khai các thiết bị chống deepinsert tại ATM nhằm hạn chế Skimming...

Hội thẻ cũng tăng cường việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng để khoanh vùng phát hiện đối tượng, theo đó: Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thị trường ghi nhận 3 máy ATM bị Skimming. Các trường hợp ATM Skimming đều được các ngân hàng nhận diện sớm, kịp thời chia sẻ thông tin đến các ngân hàng thành viên để có phương án phòng ngừa trước khi đối tượng thực hiện giao dịch gian lận dẫn đến không phát sinh tổn thất…

Xu hướng thanh toán trên nền tảng số dần chiếm ưu thế

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó, Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, sự phát triển của điện thoại di động thông minh cùng với Internet, trí tuệ nhân tạo… đang làm xuất hiện thêm một số hình thức, phương tiện thanh toán mới như tiền điện tử, mobile money, QR code, các tổ chức công nghệ tài chính, viễn thông tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sẽ tạo ra thêm cạnh tranh, động lực đối với thanh toán thẻ truyền thống.

Ông Cường cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc. Chính phủ đã có một số chỉ đạo cụ thể tại các Nghị quyết để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ứng phó với dịch bệnh.

“Tình hình đó đòi hỏi, đặt ra động lực đối với hoạt động thanh toán thẻ về việc nghiên cứu, đưa ra định hướng phát triển, phương thức dịch vụ, sản phẩm mới phù hợp với xu thế của xã hội, thói quen mới của người tiêu dùng”, ông Cường nhấn mạnh.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam và Lào phát biểu

Tại hội nghị, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam và Lào chia sẻ các xu hướng thanh toán đang diễn ra trên toàn cầu. Theo đó, xu hướng thanh toán đầu tiên được nhắc đến đó là trải nghiệm thanh toán đang trở nên đa dạng hơn, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng. Trong xu hướng này, công nghệ số đang đi theo từng trải nghiệm của khách hàng. Một khảo sát của Visa cho thấy, xu hướng thương mại điện tử trên mobile đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức độ tiếp cận mua sắm thương mại điện tử trên nền tảng mobile tăng mạnh nhất, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.

Xu hướng thứ hai là số hóa thanh toán đang tăng tốc, với sự gia tăng của các tùy chọn thẻ, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi thanh toán. Với các giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế còn rất lớn, cơ hội số hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế còn rất lớn. Thống kê của Visa cho thấy, trong giai đoạn COVID-19, nhu cầu mua sắm trên nền tảng trực tuyến tăng rất nhanh và liền với xu hướng chuyển dịch từ thanh toán thẻ sang thanh toán qua điện thoại, thương mại điện tử… Theo tính toán của Visa, tổng cơ hội cho thanh toán về số hóa đang vào khoảng 80 nghìn tỷ USD. Giờ đây, khách hàng cũng đang có xu hướng tránh tiếp xúc vật lý khi thanh toán để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ và gia đình. Đây là cơ hội để các công nghệ thanh toán không tiếp xúc, sinh trắc học… phát triển.

Xu hướng cuối cùng là dữ liệu mở sẽ là chìa khóa để giải quyết các vấn đề mới. Đây là cơ hội lớn cho phát triển hệ sinh thái thanh toán. Theo tính toán của Visa, đến năm 2025 sẽ có 463EB dữ liệu sẽ được luân chuyển mỗi ngày trong hệ sinh thái về thanh toán. Phát triển dữ liệu mở sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trong tương lai.

Tiếp tục yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường Thẻ năm 2020, ông Đào Minh Tuấn cho biết, các ngân hàng thành viên tiếp tục thúc đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi thẻ nội địa theo chuẩn chip VCCS theo lộ trình của NHNN tại Thông tư 41 ban hành ngày 28/12/2018. Tiếp tục phát triển các phương thức thanh toán hiện đại, có tính công nghệ cao như mobile payment, Contactless… cũng như đẩy mạnh áp dụng giải pháp tokenization trong thanh toán thẻ trực tuyến, nâng cao trải ngiệm người dùng để khuyến khích người dân sử dụng thẻ...

Công tác quản lý rủi ro tiếp tục được tăng cường. Hội thẻ sẽ triển khai các chương trình đào tạo, cập nhật thông tin rủi ro theo định kỳ với tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard (sau khi thế giới hết giãn cách xã hội), cập nhật thông tin các loại hình tội phạm công nghệ mới từ A05; Tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp thanh toán khống, thực hiện theo đúng quy định của NHNN… Đồng thời, phối hợp với Napas xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu rủi ro (trên cơ sở chính sách chia sẻ thông tin đã được phê duyệt).

Theo đánh giá của các tổ chức thẻ quốc tế, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng nếu phát triển theo đúng hướng. Chính vì vậy, để hướng thị trường Thẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần sự vào cuộc của các bộ/ban/ngành và cả sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thị trường phát triển đồng bộ.

Với Chính phủ và các bộ, ban, ngành, Hội thẻ kiến nghị: tiếp tục chính sách thúc đẩy chi trả lương qua tài khoản; thúc đẩy các đơn vị chi tiêu công, các ngành lớn như giao thông, cầu đường, y tế, giáo dục…triển khai dự án để có thể sử dụng thẻ để thanh toán các loại phí; xem xét chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán thẻ…

Còn với NHNN, Hội thẻ kiến nghị: Ban hành chính sách hướng dẫn về các sản phẩm, tiện ích, công nghệ mới như thẻ ảo, thẻ không tiếp xúc, xác thực vân tay… Quy định chuẩn QR Code chung nhằm thuận lợi phát triển kết nối các đơn vị trong nền kinh tế để tạo thành hệ sinh thái chung. Tiêu chuẩn hóa thiết bị ATM/POS để các ngân hàng kết nối thẻ phải thống nhất. Hội thẻ cũng đề nghị điều chỉnh kéo dài lộ trình triển khai thẻ chip nội địa vì việc chuyển đổi thẻ cần thời gian để ngân hàng phát hành thẻ từ còn tồn tránh gây lãng phí và triển khai đấu thầu mua sắm phôi thẻ mới… Ngoài ra, Hội thẻ cũng đề nghị, NHNN ban hành hướng dẫn chi tiết về việc xử lý các rủi ro trong hoạt động thẻ, xem xét việc thực hiện trích lập Quỹ dự phòng rủi ro hoạt động thẻ (quy định tỷ lệ trích lập, hạn sử dụng quỹ)

Với các ngân hàng thành viên, Hội thẻ đề nghị: Đẩy nhanh lộ trình triển khai chip hóa thẻ nội địa song song với tiến trình sử dụng ATM chip thay thế cho ATM từ như hiện nay; thắt chặt hoạt động quản lý các đơn vị chấp nhận thẻ, tránh tình trạng chấp nhận thanh toán các hình thức trái phép; đa dạng hóa các kênh thanh toán với mạng lưới của Napas và sớm thực hiện phân luồng kênh thanh toán theo các luồng cơ bản.

Với các tổ chức thẻ quốc tế, Hội thẻ cho biết, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Do đó, đề nghị các tổ chức này đàm phán đa phương với các tổ chức thẻ quố tế để giảm các loại phí áp dụng cho thị trường Việt Nam, cũng như xem xét giảm Interchange fee cho các ngân hàng thuộc khu vực Đông Nam Á so với các khu vực khác. Cùng với đó là tiếp tục tích cực phối hợp với các ngân hàng để giải quyết dứt điểm vấn đề thuế nhà thầu… Tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Hội thẻ cũng đề nghị, các tổ chức thẻ quốc tế thường xuyên cập nhật cho các ngân hàng tại Việt Nam về xu hướng công nghệ thanh toán mới, phương thức nâng cao quản lý rủi ro trong hoạt động thẻ… giúp nâng cao hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng.

Ngô Hải