Xử lý hành vi rửa tiền cùng với tội phạm nguồn để tăng sức răn đe
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 13:55, 05/10/2020
Rửa tiền một trong những loại tội phạm nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực nền kinh tế của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, đối tượng phạm tội tìm cách biến tiền, tài sản bất hợp pháp có được từ các hành vi phạm tội thành tiền hợp pháp có nguồn gốc sạch sẽ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. sự lưu chuyển dòng tiền trong thế giới tội phạm sẽ dẫn đến những biến động cung cầu tiền tệ, lãi suất và tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, gây ra nhiều khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Chính vì thế, Luật Phòng chống rửa tiền 2013, Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền đã có và trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực này.
Thực tế, một số đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử đã xem xét cả hành vi rửa tiền. Chẳng hạn trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam cầm đầu, ngoài các hành vi tội phạm khác, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cùng một số đồng phạm còn bị truy tố xét xử về tội rửa tiền. Tiền thu lời bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc được chuyển lòng vòng qua nhiều trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức.
Tương tự, vụ án Giang Kim Đạt, ngoài tội tham ô, cơ quan tố tụng đã xem xét cả hành vi rửa tiền. Theo đó, số tiền chiếm đoạt được hơn 16 triệu USD đã được Giang Kim Đạt chuyển cho bố đẻ qua 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Số tiền này sau đó được dùng để mua 40 bất động sản đứng tên người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô.
Còn rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng khác với số tiền tham tô, thất thoát với số tiền lớn, thậm chí có vụ án số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này được các đối tượng sử dụng cho nhiều mục đích từ tiêu xài cá nhân, mua nhiều bất động sản, ô tô sang, hàng hiệu cho đến đầu tư góp vốn vào các doanh nghiêp, nhờ người khác đứng tên, nhằm hợp thức nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh) các cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ xem xét xử lý các hành vi tội phạm nguồn mà chưa xem xét yếu tố rửa tiền. Luật sư Chi cho rằng, theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, chỉ xử lý hình sự các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe đối với tội phạm rửa tiền do lợi nhuận quá lớn.
Gần đây nhất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Trong đó, Nghị quyết quy định nhiều tội phạm là tội phạm nguồn của tội rửa tiền như: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc…
Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.