“Ngành Ngân hàng sẽ chủ động tiếp cận đến bà con để đáp ứng các nhu cầu cho vay chính đáng”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:42, 17/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “vấn nạn tín dụng đen” tại Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen” diễn ra sáng 17/10 tại tỉnh Hòa Bình.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, Bộ Công an và đông đảo nhân dân 2 huyện Lạc Thủy, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình).

Các đại biểu tham dự Hội nghị

“Sử dụng vốn vay đúng mục đích thì ngân hàng cho vay rất nhanh chóng”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đánh giá: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội ngh

Thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo TCTD triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tăng cường công tác truyền thông và thông tin để người dân dễ dàng nắm bắt và tiếp cận với các chương trình. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực phối hợp Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen", tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan công an, các sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, "tín dụng đen" tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen".

Tuy nhiên tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại và đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc do chưa tiếp cận được tín dụng chính thức nên đã phải vay nhiều nguồn khác nhau. Ngay từ tháng 3/2018, ngành Ngân hàng đã tổ chức hội nghị ngăn chặn tín dụng đen tại Gia Lai; Bộ Công an cũng đã vào cuộc đồng bộ trên toàn quốc với nhiều biện pháp ngăn chặn, trấn áp quyết liệt; ngân hàng cũng đã triển khai nhiều mô hình tín dụng, các gói sản phẩm phù hợp để đưa vốn đến với người dân vùng sâu vùng xa, giúp bà con vay được vốn nhanh nhất. Nhu cầu vay chính đáng phục vụ cuộc sống là rất cần thiết, Đảng, Chính phủ và ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên, khi có ý định vay vốn, người dân hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất…

Thông tin tại Hội nghị cũng cho biết, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cùng các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”. Đến ngày 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen" như: Tiếp tục chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp; NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất.

Để góp phần hạn chế "tín dụng đen", nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành Ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”; đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ; có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”.

Việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật

Tại Hội nghị, Trung tá Ngô Hồng Vương, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự đánh giá: Hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường đi cùng với các hành vi như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ. Thủ đoạn sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê vẫn diễn ra. Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê, số người này này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Trung tá Ngô Hồng Vương, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự: "Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức"

Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức. Để siết nợ, các chủ nợ thường thuê các đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mặc dù bên ngoài hoạt động hợp pháp, số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng số nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê hoặc đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng có tiền án tiền sự để thực hiện các hành vi đòi nợ. Các đối tượng này được sự tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư thoái hóa, biến chất, dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, nhằm làm nhục, mất uy tín, gây phiền nhiễu, ảnh hưởng đến kinh tế của con nợ, gây hoang mang, bức xúc cho người dân xung quanh nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc rất khó để xử lý hình sự, còn nếu xử lý hành chính thì chế tài không đủ sức răn đe.

Hệ lụy của “tín dụng đen” là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đánh giá: Ở Việt Nam, đặc trưng của tín dụng đen là tổ chức cho vay và nhóm tín dụng này không đủ tư cách pháp nhân, tự quy định các mức lãi trái pháp luật, với hình thức điều kiện cho vay trái quy định, tổ chức thu hồi nợ trái pháp luật: bạo lực cả về tinh thần, biện pháp cưỡng bức đòi nợ siết nợ, gây khó khăn cho TAND các cấp về xét xử vì khi vay thì không có hợp đồng, đối tượng cho vay lại không đủ tư cách pháp nhân, chui lủi. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ số, các đối tượng đã sử dụng các phần mềm công nghệ để mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng đen, cũng một phần xuất phát từ nhu cầu không thế chấp điều kiện vay vốn, hai là một bộ phận thanh thiếu niên vay vốn sử dụng không chính đáng. Qua thống kê, trong 1 năm, lực lượng công an đã quản lý 27.999 dịch vụ cơ sở, hơn 41.000 người làm nghề đòi nợ.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: "Chúng ta cần nhận thức chủ động, quyết liệt chống tín dụng đen, nếu không hệ lụy là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội"

“Trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức chủ động, quyết liệt chống tín dụng đen, nếu không hệ lụy là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội, chưa kể gây mất an ninh tín dụng của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Cho nên phải thực hiện triệt để, nghiêm túc Chỉ thị số 12. Phải chủ động phòng chống trong đó phòng là chính” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ đạo và nhắc nhở lực lượng công an công nghệ cao chủ động phòng chống, xử lý nghiêm các tội phạm sử dụng công nghệ để biến tướng hình thức tín dụng đen. Thứ trưởng cũng yêu cầu tín dụng cần tập trung vào 3 giảm: giảm thời gian, chi phí và giấy tờ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn tín dụng; chính quyền, công an cơ sở phải hỗ trợ để đảm bảo an ninh tín dụng, phát triển bền vững.

“Sẽ đề xuất mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo”

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết: Trước tình hình" tín dụng đen" diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, HĐQT NHCSXH đã chỉ đạo tiến hành khảo sát về tình hình vay "tín dụng đen" của các đối tượng chính sách xã hội là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Qua khảo sát nhanh thực tế một số địa phương, vùng miền trên cả nước và thống kê của các chi nhánh NHCSXH trong toàn hệ thống, chưa phát hiện được khách hàng nào của NHCSXH có vay vốn trực tiếp từ hoạt động này, chỉ có khoảng 150 hộ vay vốn có ảnh hưởng gián tiếp từ "tín dụng đen" (gia đình có con em dính líu tới "tín dụng đen"); trên cơ sở đó NHCSXH dự kiến sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Bà Trần  Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu

Ngoài ra, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng  phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăn cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank): Để đáp ứng nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng, Agribank đã cung cấp gần 40 sản phẩm tín dụng, một số sản phẩm tín dụng tiêu biểu phục vụ nhu cầu vay vốn của bà con nông dân như sau: Cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ đối với khách hàng cá nhân; Cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình nhằm hạn chế tín dụng đen; Cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; Cho vay lưu vụ; Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh; Cho vay qua Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng…

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank

Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng phục vụ các chương trình tín dụng chính sách về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với lãi suất ưu đãi. Tiếp tục cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; cải tiến hồ sơ, thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản, rút gọn thủ tục nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế môi trường đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường kết nối ngân hàng với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng trong quá trình sử dụng vốn vay theo quy định của ngành ngân hàng. Tăng cường hợp tác với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương trong việc triển khai cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai hoạt động của Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng để cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đưa hoạt động ngân hàng ngày càng gắn bó với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhân dịp này, ngành Ngân hàng có 300 suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi, mỗi huyện 150 suất quà. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao những món quà nhỏ cảm ơn những hi sinh, đóng góp của các đồng chí công an huyện Lạc Thủy, Kim Bôi.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú và Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao quà cho các gia đình chính sách huyện Kim Bôi và Lạc Thủy 

Trước đó, chiều ngày 16/10, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành đã đến thăm và tặng quà các mô hình tín dụng và các hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình).

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú và Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách và mô hình tín dụng trên địa bàn huyện Kim Bôi

 

T. Dũng