Hành động sau đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:46, 20/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết giới thiệu đến độc giả cơ chế đánh giá đa phương của APG, tác động của đánh giá đa phương đối với các quốc gia chịu sự đánh giá, một số nhận định, đánh giá sơ bộ ban đầu tại dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam, những công việc cần triển khai sau đánh giá đa phương.

Tóm tắt: Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) từ năm 2007, từ đó đến nay, thực hiện nghĩa vụ thành viên, Việt Nam phải chịu sự đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố lần lượt vào năm 2009 và năm 2019. Theo kế hoạch, dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương năm 2019 của APG đối với Việt Nam sẽ được thông qua tại Hội nghị thường niên của APG vào tháng 7/2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến thông qua vào năm 2021.

Bài viết giới thiệu đến độc giả cơ chế đánh giá đa phương của APG, tác động của đánh giá đa phương đối với các quốc gia chịu sự đánh giá, một số nhận định, đánh giá sơ bộ ban đầu tại dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam, những công việc cần triển khai sau đánh giá đa phương.

Từ khóa: đánh giá đa phương, quản lý chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí

Đánh giá đa phương - cuộc “thanh tra” toàn diện về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố ở cấp quốc gia

Trước khi nói đến đánh giá đa phương, chúng ta cần đề cập đến Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và các khuyến nghị của FATF (Khuyến nghị). FATF là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 với chức năng xây dựng, ban hành các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế. Theo đó, FATF đã ban hành các Khuyến nghị về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm đưa ra khuôn khổ các biện pháp toàn diện và gắn bó chặt chẽ với nhau mà các quốc gia cần thực hiện nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như tài trợ phổ biến vũ khí.

Các Khuyến nghị của FATF: Năm 1990, FATF đã thông qua 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền, từ đó thiết lập một khuôn khổ toàn diện về chống rửa tiền và được thiết kế để áp dụng phổ biến cho các quốc gia trên toàn thế giới. Các Khuyến nghị này được sửa đổi vào năm 1996 và 2003 để theo kịp các phương thức rửa tiền ngày càng tinh vi của bọn tội phạm. Sau vụ khủng bố tháng 9/2001 tại Mỹ, FATF đã mở rộng trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành 8 Khuyến nghị đặc biệt chống tài trợ khủng bố vào tháng 10/2001. Tiếp đó, vào tháng 10/2004, FATF đó thông qua Khuyến nghị đặc biệt thứ 9 liên quan đến vận chuyển tiền mặt qua biên giới. Như vậy, từ sau tháng 10/2004, FATF đã ban hành 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố (hay còn gọi là 40+9 Khuyến nghị của FATF). Đến tháng 2/2012, FATF tiếp tục chỉnh sửa 40+9 Khuyến nghị thành 40 Khuyến nghị mới[1] về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí (sau đây gọi tắt là 40 Khuyến nghị mới). Tháng 6/2019, FATF tiếp tục cập nhật tài liệu 40 Khuyến nghị mới trong đó bổ sung nội dung về tài sản ảo vào Khuyến nghị số 15.

Mặc dù không có hiệu lực bắt buộc như các Nghị quyết của Liên hợp quốc, nhưng các Khuyến nghị của FATF đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là các chuẩn mực và thực hiện các biện pháp cần thiết để xây dựng cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí nhằm tuân thủ các Khuyến nghị của FATF và triển khai có hiệu quả các Khuyến nghị này trên phạm vi toàn cầu

Để đảm bảo các Khuyến nghị của FATF được tuân thủ trên phạm vi rộng nhất và hiệu quả nhất, FATF và các tổ chức khu vực kiểu FATF (trong đó có APG) đã và đang áp dụng cơ chế đánh giá đa phương đối với việc tuân thủ các Khuyến nghị của FATF đối với các quốc gia thành viên của các tổ chức này. Trong trường hợp các quốc gia không tự nguyện thực hiện các biện pháp để tuân thủ các Khuyến nghị của FATF hoặc cơ chế phòng, chống rửa tiền vẫn thiếu hụt một cách nghiêm trọng thì FATF sẽ đề nghị tất cả các tổ chức tài chính phải quan tâm “đặc biệt” đến các mối quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia đó, thậm chí áp dụng các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” đối với các quốc gia này.

Quy trình, phương pháp đánh giá đa phương và các danh sách công khai của FATF

Các tổ chức khu vực kiểu FATF (trong đó có APG) thường xây dựng Quy trình đánh giá đa phương của tổ chức mình dựa trên Quy trình đánh giá đa phương của FATF[2] và chia thành 04 giai đoạn chính tương tự như các giai đoạn của một cuộc “thanh tra”, gồm: (i) Chuẩn bị cho đánh giá tại chỗ: (ii) Đánh giá tại chỗ: (iii) Dự thảo và thông qua báo cáo; (iv) Theo dõi sau đánh giá đa phương. Thời điểm diễn ra đánh giá đa phương trong Kế hoạch đánh giá đa phương của APG được lấy theo thời điểm diễn ra giai đoạn 2 - Đánh giá tại chỗ trong quy trình đánh giá đa phương. Mặc dù giai đoạn này chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 2 tuần, song công tác chuẩn bị cho đánh giá tại chỗ (giai đoạn 1) của các quốc gia chịu sự đánh giá và Đoàn đánh giá được triển khai trước đó từ 1-1,5 năm. Đối với các quốc gia chịu sự đánh giá, kế hoạch hành động, chiến lược dài hạn ở cấp quốc gia nhằm chuẩn bị cho đánh giá đa phương thậm chí đã được ban hành và triển khai trước đó rất lâu. Khi thời điểm diễn ra đánh giá tại chỗ càng đến gần, khối lượng công việc chuẩn bị cho đánh giá tại chỗ ngày càng gia tăng và là một thách thức lớn đối với quốc gia thành viên và Đoàn đánh giá. Giai đoạn Theo dõi sau đánh giá đa phương thường kéo dài trong khoảng từ 3-5 năm sau thời điểm công bố Báo cáo đánh giá đa phương.

Phương pháp luận đánh giá đa phương[3] đối với các Khuyến nghị của FATF được FATF xây dựng từ năm 2013 (được cập nhật vào tháng 10/2019) và áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, hoạt động đánh giá đa phương đối với một quốc gia được tiến hành trên 2 khía cạnh: Đánh giá tuân thủ kỹ thuật (TC): Đánh giá tính đầy đủ, chặt chẽ của khuôn khổ pháp lý, thể chế có liên quan, các quyền hạn, thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được đánh giá theo yêu cầu của 40 Khuyến nghị của FATF và Đánh giá tính hiệu quả (IO): Đánh giá tính hiệu quả trong thực tiễn thực hiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí. Tương ứng với các khía cạnh đánh giá trên, quốc gia bị đánh giá có trách nhiệm lập và gửi các Báo cáo tuân thủ kỹ thuật (Báo cáo TC) về việc tuân thủ 40 Khuyến nghị của FATF và Báo cáo đánh giá tính hiệu quả (Báo cáo IO) liên quan đến 11 Mục tiêu trực tiếp (11 IO) gồm: Đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí và cơ chế hợp tác trong nước (IO1); Hiệu quả trong triển khai hoạt động hợp tác quốc tế (IO2); Hiệu quả trong hoạt động thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí (IO3); Hiệu quả trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí (IO4); Hiệu quả trong xác định chủ sở hữu hưởng lợi (IO5); Hiệu quả hoạt động của Đơn vị tình báo tài chính (IO6); Hiệu quả trong hoạt động điều tra và truy tố tội phạm rửa tiền (IO7); Hiệu quả trong hoạt động tịch thu, thu hồi tài sản và các công cụ phạm tội (IO8); Hiệu quả trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội tài trợ khủng bố (IO9); Hiệu quả trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn khủng bố và tài trợ khủng bố sử dụng các quỹ cũng như lạm dụng các tổ chức phi lợi nhuận (IO10); Hiệu quả trong hoạt động chống tài trợ phổ biến vũ khí (IO11). Mỗi IO phải có thông tin, số liệu, bằng chứng, lập luận để chứng minh.

Nếu phương pháp đánh giá đa phương theo 40+9 Khuyến nghị trước đây (trước năm 2012) chỉ tập trung vào Đánh giá tuân thủ kỹ thuật (TC) và đòi hỏi các quốc gia  phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tuân thủ các Khuyến nghị của FATF, thì phương pháp đánh giá đa phương theo các Khuyến nghị mới tập trung nhiều vào khía cạnh Đánh giá tính hiệu quả (IO) và yêu cầu các quốc gia không chỉ xây dựng mà còn phải triển khai có hiệu quả trong thực tiễn khuôn khổ pháp lý. Theo đó, với phương pháp đánh giá đa phương mới này, các cuộc đánh giá thực sự là các cuộc “thanh tra” toàn diện đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí của các quốc gia chịu sự đánh giá.

Tác động của đánh giá đa phương đối với các quốc gia chịu sự đánh giá

Cũng giống như các cuộc thanh tra, sau khi kết thúc đánh giá đa phương, dựa trên kết quả đánh giá, các “Cơ quan thanh tra” (FATF/APG) sẽ đưa ra các kiến nghị cho “đối tượng thanh tra” (quốc gia chịu sự đánh giá) để giải quyết các thiếu hụt được phát hiện trong quá trình đánh giá và các “đối tượng thanh tra” có nghĩa vụ thực hiện và báo cáo định kỳ cho “Cơ quan thanh tra” kết quả thực hiện các kiến nghị trong báo cáo đánh giá đa phương. Đối với các “đối tượng thanh tra” có kết quả đánh giá không tốt, yếu kém hoặc không có tiến triển trong việc thực hiện các kiến nghị trong Báo cáo đánh giá đa phương, các “Cơ quan thanh tra” sẽ áp dụng các “chế tài xử phạt” với các quốc gia này và “chế tài xử phạt” trong đánh giá đa phương chính là việc bị đưa vào các danh sách công khai của FATF.

Căn cứ kết quả đánh giá đa phương và kết quả rà soát của mình, định kỳ vào tháng 2, tháng 6, tháng 10 hàng năm tại Hội nghị toàn thể của FATF, FATF quyết định đưa quốc gia nào đó vào hay ra khỏi các danh sách công khai các quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố. Hiện tại, FATF đang công khai trên website 2 danh sách[4] quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố gồm:

Danh sách Đen (Danh sách đối kháng): là danh sách những quốc gia có rủi ro cao do có những thiếu hụt chiến lược về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc tế. Theo đó, FATF kêu gọi các quốc gia thành viên và các quốc gia khác áp dụng các biện pháp đối kháng nhằm bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế như: hạn chế hoặc cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý, cấm mở văn phòng, chi nhánh của các định chế tài chính; yêu cầu các định chế tài chính của mình lưu ý đặc biệt đến mối quan hệ và các giao dịch liên quan đến các quốc gia này.

Danh sách Xám (Danh sách giám sát tăng cường): Là danh sách các quốc gia có những thiếu hụt chiến lược về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí nhưng đã có cam kết cấp Chính phủ và hợp tác tích cực với FATF trong việc thực hiện Kế hoạch hành động giải quyết các thiếu hụt chiến lược trong khung thời gian nhất định và chịu sự giám sát liên tục của Nhóm xem xét các vấn đề về hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc FATF.

Có một điều chắc chắn rằng, không một quốc gia nào muốn bị đưa vào các danh sách công khai của FATF (đặc biệt là Danh sách Đen) vì việc bị đưa vào các danh sách này đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế coi quốc gia đó là quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố; theo đó các quốc gia trên thế giới sẽ cảnh báo đến tất cả các tổ chức tài chính phải quan tâm “đặc biệt” đến các mối quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia đó, thậm chí áp dụng các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” đối với các quốc gia này, làm cho danh tiếng và hoạt động kinh tế quốc tế của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề.

Thông thường, các quốc gia khi bị rơi vào Danh sách Xám sẽ mất từ 3-5 năm kể từ thời điểm thông qua Báo cáo đánh giá đa phương với nỗ lực hoàn thành đúng thời hạn các hành động khắc phục do FATF đề ra mới có thể ra khỏi danh sách này vì các hành động được đưa ra đều mang tính chiến lược, dài hạn; để hoàn thành được các hành động này, các quốc gia cần phải triển khai một cách tổng thể và đồng bộ nhiều giải pháp, hành động khác nhau và cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả. Để tận dụng thời gian, các quốc gia thường không đợi đến khi Báo cáo đánh giá đa phương được thông qua mới bắt tay vào khắc phục thiếu hụt mà sẽ chủ động xây dựng các kế hoạch hành động cũng như triển khai dần các hành động nhằm khắc phục thiếu hụt.

Theo thống kê của FATF, đến tháng 10/2020, đã có 101 quốc gia, vùng lãnh thổ trải qua và hoàn thành đánh giá đa phương theo các Khuyến nghị mới của FATF[5], các Báo cáo đánh giá đa phương này đều được công khai trên website của FATF và các tổ chức khu vực kiểu FATF mà quốc gia chịu sự đánh giá là thành viên. FATF và các tổ chức khu vực kiểu FATF (như APG) vẫn đang tiếp tục tiến hành các cuộc đánh gia đa phương đối với các quốc gia khác. Kết quả đánh giá đa phương cho thấy, phần lớn các quốc gia phát triển đã xây dựng khung pháp lý tương đối hoàn thiện đáp ứng yêu cầu các Khuyến nghị của FATF và đã triển khai có hiệu quả khuôn khổ pháp lý trong thực tiễn; nhiều quốc gia khác mặc dù có khung pháp lý tương đối hoàn thiện nhưng kết quả triển khai trong thực tế không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; các quốc gia đang phát triển (trong đó bao gồm một số thành viên của APG) vẫn còn nhiều thiếu hụt chiến lược trong việc hoàn thiện khung pháp lý cũng như triển khai chưa hiệu quả trong thực tiễn. Các quốc gia này đã và đang tích cực phối hợp với FATF và các tổ chức khu vực của FATF để thực hiện các hành động nhằm giải quyết các thiếu hụt chiến lược trong báo cáo đánh giá đa phương. Một số quốc gia sau đánh giá đa phương bị đưa vào Danh sách Xám nhưng do đã rất nỗ lực trong việc giải quyết các thiếu hụt nên được FATF ghi nhận và quyết định đưa ra khỏi Danh sách Xám sau một thời gian ngắn.

Đánh giá về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam

Giống như các quốc gia khác, Việt Nam đã triển khai công tác chuẩn bị cho đánh giá đa phương từ 5 năm trước (năm 2014) với việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020 nhằm hướng tới xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả cũng như chuẩn bị cho hoạt động đánh giá đa phương của APG. Khi thời điểm đánh giá đa phương đến gần, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai hàng loại các nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị cho hoạt động đánh giá tại chỗ.

Đến thời điểm hiện tại, Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam vẫn chưa được thông qua, một số tồn tại, hạn chế trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí đã được Đoàn đánh giá APG đưa ra trong các dự thảo Báo cáo như:

- Việt Nam đã hoàn thành đánh giá rủi ro quốc gia lần đầu tiên vào tháng 4/2019, và sau đó đã bổ sung đánh giá rủi ro đối với các tổ chức phi lợi nhuận (NPO), pháp nhân và rủi ro về tài trợ phổ biến vũ khí vào cuối năm 2019. Nhận thức về rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố của các cơ quan có thẩm quyền và tổ chức báo cáo đã được cải thiện, song vẫn còn những khoảng trống trong nhận thức về rủi ro liên quan đến tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), các công ty tín thác nước ngoài và một số loại tội phạm theo qui định của FATF, gồm cả tội phạm có tổ chức và hoạt động mại dâm. Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng trên cơ sở tập trung vào các rủi ro đã được nhận diện. Công tác điều phối, phối hợp giữa các đơn vị, bộ, ngành triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố còn chưa thực sự hiệu quả.

- Hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền liên quan đến phân tích các báo cáo giao dịch đáng ngờ và trao đổi thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế còn những hạn chế nhất định về trình độ chuyên môn, nhân lực và công nghệ thông tin.

- Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ cho việc điều tra, truy tố tội phạm rửa tiền, song số lượng các vụ điều tra, truy tố tội rửa tiền của Việt Nam còn ít, chưa tương quan với số lượng các vụ điều tra tội phạm nguồn[6].

- Hoạt động tịch thu, thu hồi tài sản có được từ hoạt động tội phạm đã phản ánh nguy cơ rủi ro về rửa tiền ở Việt Nam, đặc biệt liên quan đến các tội phạm nguồn có rủi ro cao như tham ô, đánh bạc và buôn bán ma túy nhưng các biện pháp tịch thu, thu hồi tài sản chỉ được thực hiện trên cơ sở kết án. Ngoài ra, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức trong việc xác định và truy tìm tài sản liên quan đến các loại tội phạm phức tạp cũng như còn hạn chế trong việc xác định mục tiêu, phát hiện và điều tra về tiền tệ và công cụ chuyển nhượng (BNIs) được buôn lậu, vận chuyển qua biên giới.

- Hoạt động thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố còn hạn chế và chưa áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro. Hoạt động thanh tra mới được thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và kinh doanh trò chơi có thưởng, song phạm vi thanh tra còn hạn chế và các vi phạm bị phát hiện chưa được xử phạt nghiêm nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

- Hiểu biết về rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố và các nghĩa vụ phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như việc thực hiện báo cáo và triển khai các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các tổ chức báo cáo trong các lĩnh vực. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu dựa trên các quy tắc tuân thủ thay vì dựa trên cơ sở rủi ro. Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) chưa chịu sự điều chỉnh của quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

- Việt Nam đã ban hành khung pháp lý chống tài trợ phổ biến vũ khí song chưa có quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi không tuân thủ nên khung pháp lý này vẫn chưa được coi là có hiệu quả thực thi.

- Hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan có thẩm quyền, Đơn vị tình báo tài chính và các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là việc chủ động gửi các yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin từ các đối tác nước ngoài.

- Việt Nam được đánh giá là có rủi ro khủng bố và tài trợ khủng bố thấp, các cơ quan chức năng đã thể hiện cam kết phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố cũng như có khả năng nhận diện và điều tra hoạt động tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những bất cập trong khuôn khổ pháp lý về tài trợ khủng bố.

Những công việc cần triển khai sau đánh giá đa phương

Với các hạn chế, thiếu hụt được phát hiện trong Báo cáo đánh giá đa phương, Chính phủ và các bộ, ngành có thể thấy được các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, gồm:

(i) Hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí để giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật. Một số văn bản pháp lý quan trọng mà Việt Nam cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung các quy định giải quyết thiếu hụt liên quan đến Tội tài trợ khủng bố); Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản hướng dẫn 2 Luật này (sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết thiếu hụt liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, báo cáo giao dịch đáng ngờ). Đặc biệt, NHNN, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi các chế tài xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí cho phù hợp vì các chế tài xử phạt của Việt Nam trong lĩnh vực này bị đánh giá là còn thiếu, chưa tương xứng và chưa mang tính răn đe. Nếu Việt Nam ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố mà chưa hoặc không ban hành văn bản quy định chế tài xử phạt thì FATF sẽ không công nhận hiệu lực thực thi của các Luật này.

(ii) Cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018-2022 làm cơ sở tiền đề để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia; nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức báo cáo. Theo đó, việc phân bổ nguồn lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các biên pháp phòng ngừa của các cơ quan nhà nước và các tổ chức báo cáo sẽ tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố cao hơn.

(iii) Tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền độc lập hoặc song song với điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nguồn, trong đó tập trung vào nhóm tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao như tham nhũng, đánh bạc bất hợp pháp, lừa đảo, buôn bán ma túy, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và trốn thuế…; thực hiện các biện pháp thích hợp để tăng cường sử dụng thông tin tình báo tài chính phục vụ hoạt động điều tra, truy tố tội rửa tiền và tội phạm nguồn.

(iv) Xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện công cụ và thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

(v) Nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế cũng như vai trò trung tâm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố ở Việt Nam.

(vi) Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố tại các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan thanh tra, giám sát.

(vii) Thực hiện các biện pháp tăng cường thu giữ, tịch thu tiền mặt, công cụ chuyển nhượng trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước phải khai báo hải quan nhưng không khai báo, khai báo không trung thực tại các cửa khẩu hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt khác tương xứng và có tính răn đe.

Có thể nói, sau đánh giá đa phương, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam sẽ phải khẩn trương hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cũng như nâng cao tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng ta hy vọng công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam sẽ có những sự chuyển mình tích cực trong thời gian tới.

[1] Tham khảo 40 Khuyến nghị mới của FATF tại đường link http://www.fatf-gafi.org/publications/fatfrecommendations/documents/fatf-recommendations.html

[2] Tham khảo Quy trình đánh giá đa phương của FATF tại đường link http://www.fatf-gafi.org/publications/mutualevaluations/documents/4th-round-procedures.html;  hoặc Quy trình đánh giá đa phương của APG tại http://www.apgml.org/mutual-evaluations/page.aspx?p=35032228-954b-4d76-82d3-473a9269b4ee

[3] Tham khảo phương pháp luận đánh giá đa phương tại http://www.fatf-gafi.org/media/fatf/documents/methodology/FATF%20Methodology%2022%20Feb%202013.pdf

[6] Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội mua bán người; Tội cướp tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...).

ThS. Nguyễn Văn Ngọc