Những bước tiến trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 16:14, 18/10/2020
Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng, vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Báo cáo cho biết, thực hiện vai trò của cơ quan đầu mối trong việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ), NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan:
(i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền; chủ trì ban hành Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn một số quy định về phòng, chống rửa tiền);
(ii) Tham mưu trình Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020.
Đặc biệt, từ tháng 10/2017 đến nay, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai các hoạt động chuẩn bị cho đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam.
Hiện nay, NHNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các hành động cần thực hiện theo khuyến nghị của Đoàn APG để sẵn sàng phản hồi, bảo vệ kết quả đánh giá khi APG chính thức làm việc với Việt Nam. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, thu hồi tài sản phạm tội; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm rửa tiền.
Cùng với các hoạt động chuẩn bị cho đánh giá đa phương, NHNN cũng tập trung thực hiện công tác thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Trong 5 năm qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ của Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố và đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Đến nay, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và đã được Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thừa nhận tại Hội nghị toàn thể FATF tháng 2/2014. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã từng bước được củng cố, phát triển.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền (Ban chỉ đạo) được thành lập năm 2009. Với vai trò điều phối quốc gia về phòng, chống rửa tiền, Ban chỉ đạo đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo đã ban hành nhiều Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm giải quyết, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam theo các thời kỳ.
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Song song với các hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nước, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế về lĩnh vực này, đánh dấu bằng việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 34 của Nhóm châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 5/2007. Với tư cách là thành viên của APG, Việt Nam đã cam kết thực hiện các quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”, bao gồm:
(i) Thực hiện các hành động cần thiết nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố;
(ii) Thực hiện các hành động, các bước tích cực, chủ động nhằm phát triển, thông qua và thực thi luật pháp và các biện pháp khác về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố dựa trên chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận;
(iii) Nhận thức lợi ích của việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm;
(iv) Cam kết thực thi các quyết định của APG;
(v) Cam kết tham gia vào chương trình đánh giá đa phương của APG
(vi) Đóng góp vào ngân sách của APG.
Với những kết quả nêu trên, có thể thấy những nỗ lực và quyết tâm liên tục của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong việc phối hợp với APG, FATF, các quốc gia và tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, góp phần đảm bảo sự minh bạch và toàn vẹn của hệ thống tài chính thế giới.