Ngân hàng Goldman Sachs nộp phạt 2,9 tỷ USD trong vụ bê bối quỹ 1MDB
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 17:15, 23/10/2020
Ngày 22/10, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo ngân hàng Goldman Sachs đã chấp nhận khoản phạt cao kỷ lục 2,9 tỷ USD nhằm tránh các cáo buộc hình sự liên quan đến vai trò của ngân hàng này trong vụ bê bối tham nhũng tại Quỹ Đầu tư nhà nước 1 Malaysia (1MDB).
Trong một cuộc họp báo, quyền Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Brian C. Rabbitt nêu rõ tại phiên tòa diễn ra cùng ngày, đại diện ngân hàng Goldman Sachs chi nhánh tại Malaysia đã thừa nhận sai phạm liên quan đến khoản tiền tham nhũng 1,6 tỷ USD và chấp nhận nộp phạt hơn 2,9 tỷ USD, qua đó khép lại cuộc điều tra hình sự nhằm vào ngân hàng này. Ông Rabbit cho biết thêm đây là mức phạt lớn nhất từ trước tới nay trong các vụ việc tương tự tại Mỹ.
Trong khoản tiền phạt nói trên, Goldman Sachs nộp 400 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ, hoàn trả 600 triệu USD lợi nhuận mà ngân hàng này có được trong các thương vụ với 1MDB và nộp phạt 154 triệu USD cho Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ.
Trước đó, tháng 7, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ này đã đồng ý nộp phạt 3,9 tỷ USD cho Chính phủ Malaysia để giải quyết những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của 1MDB. Ngoài ra, Goldman Sachs buộc phải cải thiện hoạt động quản lý rủi ro và chịu giám sát của các nhà chức trách Mỹ trong hơn 3 năm.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng chính thức cáo buộc 3 cá nhân trong vụ bê bối này, trong đó có hai cựu lãnh đạo của Goldman Sachs là Tim Leissner và Ng Chong Hwa, với tội danh lừa đảo.
Tim Leissner, cựu Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs khu vực Đông Nam Á, đã nhận tội rửa tiền và vi phạm Đạo luật Tham nhũng nước ngoài của Mỹ. Trong khi đó, cựu Giám đốc điều hành (CEO) Ng Chong Hwa, còn được biết đến là Roger Ng, đang chờ xét xử cũng với hai tội danh trên. Nhân vật thứ 3 được xác định là doanh nhân Low Taek Jho bị cáo buộc đưa hối lộ hiện đang bỏ trốn.
Theo bộ trên, Goldman Sachs cho biết sẽ yêu cầu ban giám đốc đương nhiệm và trước đây hoàn trả 174 triệu USD tiền lương, tiền thưởng, trong số này có CEO David Solomon và người tiền nhiệm Lloyd Blankfein, do liên đới trong vụ bê bối này.
Việc Goldman Sachs tại Malaysia thừa nhận sai phạm trong vụ bê bối 1MDB nhiều khả năng khiến chi nhánh này phải dừng hoạt động, nhưng sẽ giúp công ty mẹ tránh các trách nhiệm pháp lý tại Mỹ, được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh nói chung của cả ngân hàng này.
Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Vào năm 2012-2013, Goldman Sachs đã giúp 1MDB phát hành 3 đợt trái phiếu với tổng giá trị là 6,5 tỷ USD.
Các nhà điều tra cho rằng những sai phạm và thiếu sót trong kiểm soát hoạt động quản lý của Goldman Sachs đã tiếp tay cho việc biển thủ hàng tỷ USD từ quỹ này.
Theo lực lượng chức năng Malaysia và Mỹ, quỹ này đã để thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD trong thời gian từ 2009-2015, trong khi khoảng 1 tỷ USD được gửi vào các tài khoản cá nhân của ông Najib.