Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Tin tức - Ngày đăng : 21:37, 29/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn (giãn, hoãn, xóa nợ,...) cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra theo quy định của pháp luật.

Một trong những nội dung quan trọng thuộc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Kết luận nêu rõ: Trong các ngày 27, 28/10/2020, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (cùng với bão Xangsane năm 2006), đã gây hậu quả rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Để triển khai ứng phó với bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện: số 1470/CĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2020 và số 1490/CĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020 thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9.

Mưa lũ lớn và bão số 9 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Để khẩn trương hỗ trợ người dân, các ngành, các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị sạt lở có ngưòi bị vùi lấp, khu vực bị cô lập do mưa lũ để phốihợp với các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

​2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khẩn trương chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương theo quy định.

3. Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra tại các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn (giãn, hoãn, xóa nợ,...) cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra theo quy định của pháp luật.

5. Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ quốc gia theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp kịp thời cho các địa phương, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên taỉ, khôi phục sản xuất. Các mặt hàng xuất cấp bảo đảm chất lượng, phân bổ đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ

Khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong chuyến công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Thông báo nêu rõ, gần một tháng qua, tại các tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và 03 cơn bão (số 5, 6, 7) đã gây mưa lớn, kéo dài trên diện rộng. Một số nơi thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình lượng mưa đo được trong những ngày qua cao hơn so với lượng mưa trung bình cả năm của nhiều năm, có nơi lượng mưa cả đợt trên 3.000 mm, cường suất mưa lớn, tập trung thành từng đợt ngắn đã gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; mực nước trên các sông trong khu vực đã vượt mức lịch sử, gây ngập lụt sâu trên diện rộng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm theo dõi sát tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi chỉ đạo, kiểm tra tại Quân khu 4, đồng thời đã cử các đồng chí Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến các tỉnh để trực tiếp chỉ đạo, động viên, thăm hỏi bà con nhân dân. Tuy nhiên, do đây là đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, lũ chồng lũ) nên thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh nêu trên là rất lớn; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị thiệt hại, nhiều xã, thôn bị cô lập hoàn toàn; sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đến ngày 22/10/2020, mưa lũ đã làm 135 người chết và mất tích, gần 7.500 ha lúa và hoa màu bị ngập úng và hư hại, gần 6.000 con gia súc bị lũ cuốn trôi. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan xuất cấp mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, hơn 70 tấn lương khô, thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng, khử khuẩn, xử lý môi trường, vắc xin, giống cây trồng để khôi phục sản xuất và các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn; đồng thời tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội.

Trước những đau thương, mất mát to lớn do mưa lũ gây ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, những người bị tử nạn do thiên tai, chia sẻ những lo âu của gia đình có người còn bị mất tích tại các tỉnh miền Trung. Phó Thủ tướng biểu dương, khen ngợi sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng, trong đó nòng cốt là lực lượng quân đội và công an nhân dân; nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ, nhà báo đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm và hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm những người bị mất tích; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh sớm được trở lại trường; tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.

Với sự ủng hộ, nhất trí của các bộ, ngành và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 20 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam, 20 tỷ đồng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và 40 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Trị từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để tập trung hỗ trợ cho các huyện: Tây Giang, Phong Điền, Hướng Hoá và Đắk Krông (đây là các huyện thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua).

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị chịu trách nhiệm chỉ đạo phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật hiện hành; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí; báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. 

Sau đợt mưa lũ, Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại, nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương, theo đúng quy định hiện hành.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai, theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết, chủ động rà soát, xây dựng phương án phòng, chống bão, mưa, lũ quán triệt phương châm “phòng hơn chống”, “4 tại chỗ”, “địa phương và người dân là chính” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo đảm an toàn khi triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Tuyết Mai