Hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam giai đoạn 2018-2025
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:43, 30/10/2020
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho biết, Fintech không còn xa lạ bởi trên nhiều diễn đàn, hội thảo đã được đưa ra để bàn thảo, cũng như chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech những năm gần đây.
Điều này thể hiện sự bắt kịp xu thế, sự năng động sáng tạo của các doanh nghiệp nhưng cũng khiến cho các cơ quan quản lý tài chính của quốc gia đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan quản lý trên thế giới là hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích tiềm năng của Fintech, NHNN đã chủ động tiếp cận thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 3/2017 với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh cho sự phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, NHNN đã quyết liệt triển khai nhiều nội dung như nghiên cứu một số lĩnh vực trọng tâm của Fintech để có giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp; trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm...
Trong bối cảnh đó, đề tài "Hoàn thiện Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025" được ra đời kịp thời với tính ứng dụng thực tiễn cao.
Tại hội thảo, Ths.Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu muốn đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào áp dụng thực tiễn, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng liên quan, đồng thời tiếp nhận ý kiến đóng góp với nhiều góc nhìn khác nhau của các đại biểu từ NHTM, các nhà quản lý, các công ty Fintech để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Ths.Ngô Văn Đức, Vụ Thanh toán đã trình bày một số nội dung chính của Đề tài, bao gồm: Các thành phần cấu thành nên Hệ sinh thái Fintech; Các yếu tố tác động đến sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech; Bài học kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam...
Trên cơ sở phân tích hạn chế, thách thức đối với sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam như: Hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về hoạt động Fintech; Xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực Fintech; Tăng cường vốn đầu tư và các chính sách ưu đãi vào lĩnh vực Fintech; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tăng cường đào tạo về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phục vụ cho lĩnh vực Fintech; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech nói riêng; Tăng cường giáo dục và đào tạo tài chính.
Nhóm nghiên cứu cũng chia sẻ về kết quả triển khai ứng dụng của đề tài tại NHNN như: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện hành như sửa đổi và bổ sung Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó sửa đổi quy định liên quan tới KYC (nhận biết khách hàng) trong lần đầu thiết lập quan hệ khách hàng, qua đó cho phép các tổ chức được thực hiện biện pháp xác thực khách hàng từ xa dựa trên công nghệ,... (ii) Xây dựng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng…
Tại Hội thảo, các đại biểu và nhóm nghiên cứu cũng đã thảo luận về cơ chế chính sách hoạt động công ty Fintech, việc thiết lập Sandbox… và các nội dung khác có liên quan.