TS. Cấn Văn Lực: Cần đa dạng nguồn vốn cho năng lượng tái tạo

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 22:56, 30/10/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Tọa đàm “Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT)” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức hôm 29/10, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định vốn cho năng lượng xanh nói chung, NLTT nói riêng đang còn quá khiêm tốn trong khi đây là lĩnh vực được đánh giá rất tiềm năng…

Nguồn vốn cho năng lượng tái tạo còn hạn chế

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến cuối tháng 8/2020, Việt Nam có khoảng 102 dự án điện mặt trời đang hoạt động với tổng công suất đạt 6.314 MW, 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 435 MW và 325 MW điện sinh khối và 10 MW điện chất thải rắn. Điện mặt trời áp mái cũng phát triển khá mạnh mẽ đạt 948MWp với 42.000 hệ thống điện. Hiện tại, số lượng dự án NLTT đăng ký vẫn tăng mạnh với tổng công suất điện mặt trời, điện gió được phê duyệt bổ sung quy hoạch đã lên tới 23.000 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200 MW, điện gió khoảng 11.800 MW.

Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tham gia đầu tư NLTT trong đó top 10 DN dẫn đầu như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group); Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group); Tập đoàn TTC; Tập Đoàn Bim Group; Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập Đoàn Sunseap (Thái Lan); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý; Tập đoàn Sao Mai. Tổng công suất nguồn điện của Top 10 DN dẫn đầu với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là trên 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió.

“Năm 2016, tỷ trọng công suất điện NLTT gần như không đáng kể chỉ khoảng 0,4% tổng công suất phát điện, đến nay đã đạt 7.000 MW chiếm tỷ trọng khoảng 11,6% tổng công suất hệ thống điện (vào khoảng 60.000 MW)…”- TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Mặc dù tiềm năng phát triển NLTT ở Việt Nam là rất lớn, song theo TS. Cấn Văn Lực nguồn vốn cho NLTT vẫn đang còn rất khiêm tốn.

Thực hiện Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN, tính đến hết tháng 12/2019, dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế, đạt trên 320 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 76%, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-8%/năm và trung dài hạn từ 9-12%/năm. Tổng dư nợ tín dụng xanh NLTT chiếm 17% tương đương gần 54 ngàn tỷ đồng, còn lại là tín dụng nông nghiệp xanh chiếm 45% và các lĩnh vực liên quan khác.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại còn có các nguồn vốn tài trợ ủy thác từ các tổ chức quốc tế như ADB hay WB với dự án REDP giai đoạn 2009-2018. Dự án REDP do WB cung cấp có tổng giá trị tương đương 204,27 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Đến năm 2018, dự án đã giải ngân toàn bộ số vốn trong đó tài trợ cho 19 dự án NLTT có tổng công suất lắp đặt 320,4 MW.

Tuy nhiên, do giai đoạn 2018 trở về trước các chính sách ưu đãi giá mua điện mặt trời và điện gió chưa có hiệu lực nên các dự án NLTT của WB giải ngân chủ yếu vẫn là các dự án thủy điện nhỏ.

Một số tồn tại và khuyến nghị

TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra một loạt tồn tại trong việc thu xếp vốn của các dự án NLTT.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại buổi toạ đàm

Thứ nhất, nguồn vốn tài trợ các dự án NLTT chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, thiếu sự đa dạng hóa nguồn vốn khác như trái phiếu DN, quỹ đầu tư, FDI....

Thứ hai, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) chưa có định hướng cụ thể cho tài trợ phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua định hướng tín dụng xanh, trong đó tỷ trọng dư nợ NLTT còn khá thấp (chiếm khoảng 17% so với dư nợ nông nghiệp xanh chiếm 45% tổng dư nợ xanh).

Thứ ba, nguồn vốn trung dài hạn NHTM cũng gặp hạn chế do chủ yếu huy động ngắn hạn từ dân cư, trong khi cơ quan quản lý ngày càng quan tâm kiểm soát rủi ro thanh khoản của các NHTM (giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Vai trò của Ngân hàng Phát triển trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có NLTT còn khá mờ nhạt.

Cuối cùng, NHTM còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đánh giá rủi ro dự án NLTT do lĩnh vực này còn mới, trong khi các quy định về hỗ trợ NLTT còn chưa thực sự rõ ràng và nhất quán; chủ đầu tư cũng còn thiếu kinh nghiệm, còn đầu tư theo tâm lý phong trào và chưa bài bản, còn hiện tượng lách luật.

Theo TS. Cấn Văn Lực, muốn giải bài toán nguồn vốn cho các dự án NLTT cần tính tới: 

Một là tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá vào lĩnh vực NLTT trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT; cho phép xã hội hóa một phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp.

Thứ hai, tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển NLTT quốc tế uy tín về cả vốn và trợ giúp kỹ thuật.

Thứ ba, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua.

Thứ tư, nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Nâng cao năng lực của Ngân hàng Phát triển trong tài trợ các dự án NLTT.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng NLTT trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.

Đối với các TCTD, muốn đẩy mạnh cho vay NLTT, trước hết cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ tốt hơn (phí, lãi, thời gian ân hạn...) đối với các dự án NLTT đạt được các tiêu chí kỹ thuật và pháp lý quan trọng như: nằm trong khu vực đã được quy hoạch; được đánh giá có tiềm năng trữ lượng NLTT cao và tin cậy; có đầy đủ hồ sơ pháp lý như phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được tư vấn thẩm tra bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; thiết bị được cung cấp bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; và có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau là tiếp tục tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá rủi ro các dự án đầu tư NLTT.

Cuối cùng là phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực NLTT, trong đó cân nhắc xem xét các gói sản phẩm theo chuỗi dự án từ chủ đầu tư – đơn vị sản xuất/bán hệ thống thiết bị NLTT – nhà thầu xây lắp.

Thanh Thanh