“IFC luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:23, 02/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong buổi làm việc với Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cuối tuần qua, ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách châu Á-Thái Bình Dương, khẳng định: “IFC luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng”.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chúc mừng ông Alfonso Garcia Mora được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, chúc ông sẽ có một nhiệm kỳ công tác thành công và sẽ là một cầu nối quan trọng đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam và IFC.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Hỗ trợ từ IFC là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như phát triển các khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân”.

Bày tỏ cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn, ông Alfonso Garcia Mora cho biết, trong thời gian vừa qua, ông đã làm việc rất là chặt chẽ với lĩnh vực tài chính và phát triển thị trường tài chính ở các quốc gia thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới nói chung và IFC nói riêng. “Hy vọng trong nhiệm kỳ tới, tôi có thể hỗ trợ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác của IFC tại Việt Nam. IFC luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng”, ông Alfonso Garcia Mora bày tỏ.

Thời gian vừa qua, với sự phát triển rất là nhanh chóng, Việt Nam đang nằm trong Top 10 các quốc gia nhận hỗ trợ từ phía IFC. Phó Chủ tịch IFC phụ trách châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Tôi mong muốn đạt được mục tiêu trong tương lai là đẩy mạnh vị trí của Việt Nam lên Top 5 các quốc gia nhận hỗ trợ từ phía IFC.”

Theo danh mục đầu tư của IFC ở Việt Nam: Từ năm 1994 tính đến hết năm tài khóa 2020, IFC đã đầu tư hơn 9 tỷ USD với hơn 160 dự án qua các hình thức góp vốn đầu tư, mua cổ phần, cho vay, tài trợ thương mại. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng đầu tư hiện hữu tại Việt Nam là 1,3 tỷ USD, trong đó đã giải ngân được 1,16 tỷ USD.

Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao sự hỗ trợ của IFC dành cho Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng trong thời gian vừa qua. Bên cạnh các hoạt động đầu tư, IFC còn có những hỗ trợ tham vấn, tư vấn về mặt chính sách, định hướng cho tạo lập và phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, phát triển khu vực tư nhân… tạo cơ sở tham khảo, kênh thông tin tin cậy cho các cơ quan xây dựng va thực thi chính sách trong nghiên cứu, đề xuất và xây dựng chính sách.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc

Đối với khu vực ngân hàng, IFC đã và đang là một nhà đầu tư lớn, một người bạn đồng hành, và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của toàn hệ thống.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có trao đổi làm rõ một số vấn đề IFC quan tâm như:

Thứ nhất, đối với mục tiêu đẩy mạnh hơn sự hiện diện của IFC trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN đề xuất IFC liên lạc và phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Theo Phó Thống đốc, trong thời gian vừa qua, NHNN đã thực hiện được một số giai đoạn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020). Hiện nay NHNN đang chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá và tổng kết kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn vừa qua; đồng thời đề xuất và tham mưu cho các định hướng tới trong công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, đối với mong muốn của IFC nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển thị trường vốn tại Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh đây là cũng là một trong những nội dung được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm. Về phía NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc phát triển được một thị trường tài chính theo phân khúc, đúng chức năng sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động tốt hơn; nhất là khi các khu vực của nền kinh tế có khả năng huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau thì sẽ mang lại sự an toàn và ổn định hơn cho nền kinh tế.

Thứ ba, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh NHNN ủng hộ đề xuất của IFC trong việc tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Trên 90% tổng số doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam là DNVVN với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về năng lực quản trị cũng như về nguồn lực tài chính…

Theo Phó Thống đốc, NHNN đã và đang có nhiều chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, NHNN mong muốn IFC tiếp tục quan tâm hỗ trợ DNVVN thông qua việc chia sẻ kinh nghiệp quốc tế, đề xuất các giải pháp cũng như có tiếng nói tới Chính phủ, các Bộ ngành liên quan nhằm đưa ra hệ thống chính sách đồng bộ mới hỗ trợ DHVVN.

Các chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện là một chủ đề luôn được các nước rất quan tâm kể cả nước phát triển cũng như là trong khu vực châu Á và khu vực ASEAN. Đối với Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có chủ trương phát triển kinh tế bền vững – không để ai bị bỏ lại phía sau.

Do đó, việc xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ. NHNN đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ IFC trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy Chiến lược đã được phê duyệt nhưng việc tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược lại quan trọng hơn. Phó Thống đốc mong muốn IFC sẽ chung tay và hỗ trợ NHNN trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia này; đặc biệt khi đối tượng quan tâm của Chiến lược là các DNVVN, phụ nữ, những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa…

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ hy vọng: Thời gian tới, IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ để cán bộ NHNN sang làm việc và đào tạo tại văn phòng IFC, nâng cao kiến thức chuyên sâu góp phần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Hiện nay, NHNN đang trong quá trình tổng kết và đánh giá việc thực hiện của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng. Do đó, NHNN mong muốn IFC sẽ chia sẻ qua các hình thức tư vấn, chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế.... trong quá trình xây dựng và tham mưu đề xuất sửa đổi những quy định liên quan đến NHNN cũng như các tổ chức tín dụng nhằm hướng tới các chuẩn mực quốc tế về an toàn.

P.V