Huy động trái phiếu Chính phủ về đích trước hạn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:31, 09/11/2020
Số liệu thống kê về thị trường vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố cho biết, trong tháng 10/2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công được 260.116 tỷ đồng TPCP, tăng 17,8% so với cả năm 2019 và hoàn thành 100% kế hoạch năm 2020.
Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,25 năm, giảm nhẹ so năm 2019; lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so năm 2019, đặc biệt trong tháng 3/2020 và tháng 9/2020, lãi suất chạm đáy 10 năm trở lại đây.
Lãi suất phát hành bình quân đạt 2,92%/năm, giảm 37% so năm 2019. Cơ cấu nhà đầu tư cho thấy khối bảo hiểm chiếm đến 54%, còn lại là khối NHTM và các công ty tài chính, quỹ đầu tư.
Theo các chuyên gia chứng khoán, đạt được kết quả này chủ yếu là nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính, gồm: Thanh khoản thị trường dồi dào (NHNN giảm lãi suất điều hành và bơm khối lượng lớn tiền đồng ra thị trường, tăng trưởng tín dụng chậm); và khối lượng TPCP đáo hạn lớn tạo nguồn tái đầu tư nên thị trường TPCP nên công tác huy động vốn cho NSNN vẫn đạt kết quả tốt.
Trên thị trường thứ cấp, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng của thị trường cả về quy mô và thanh khoản. Quy mô niêm yết TPCP đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so năm 2019, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so năm 2019.
Tỷ trọng giao dịch Repos giảm đáng kể so năm 2019, đạt dưới 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường này với hơn 3.000 tỷ đồng.
Bước sang đầu tháng 11/2020, các giao dịch trên thị trường có vẻ ảm đạm hơn. Thống kê giao dịch trái phiếu trên thị trường trong tuần từ ngày 2-6/11/2020 cho thấy, trong kỳ KBNN chỉ huy động thành công 300/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 4,3%), trong đó: Kỳ hạn 20 năm huy động thành công 300/1.000 tỷ đồng với lãi suất giữ nguyên tại 3,02%/năm; kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm gọi thầu lần lượt 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng nhưng đều đấu thầu thất bại. Trong tuần qua có 11.068 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Theo kế hoạch, trong tuần tưg ngày 9 - 13/11, HNX dự kiến đấu thầu 22.000 tỷ đồng (trong đó KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) gọi thầu 16.000 tỷ đồng). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 14.485 tỷ đồng.
Trái ngược với các phiên đấu thầu TPCP trong tuần qua, giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.403 tỷ đồng/phiên, tăng khá mạnh so với mức 8.504 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 6/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm là 0,18% (+0,002 điểm %); 2 năm là 0,31% (+0,01 điểm %); 3 năm là 0,37% (-0,01 điểm %); 5 năm là 1,34% (+0,03 điểm %); 7 năm là 1,65% (-0,03 điểm %); 10 năm là 2,59% (-0,01 điểm %); 15 năm là 2,79% (-0,003 điểm %); 30 năm là 3,25% (không đổi).
Được biết, sang năm 2021, KBNN tiếp tục thực hiện phát hành bổ sung vào các mã TPCP đang lưu hành để tăng quy mô, giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000 - 18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu, hướng tới 1 tỷ USD; tiếp tục thực hiện hoán đổi TPCP nhằm giảm đỉnh nợ, giảm rủi ro thanh khoản cho NSNN, giảm mã nhỏ lẻ, tăng thanh khoản cho TPCP...
Hiện KBNN đang hoàn thiện, trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP, dự kiến thực hiện từ đầu năm 2021. Bên cạnh đó, HNX sẽ triển khai nghiệp vụ đấu thầu mua lại, hoán đổi trái phiếu, phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi và nghiệp vụ phát hành trái phiếu bảo đảm thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP và Thông tư 111/2018/TT-BTC.