“Tăng cường hợp tác tài chính góp phần tăng trưởng bền vững sau đại dịch”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:10, 10/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là chủ đề Hội nghị trực tuyến thường niên Hiệp hội Liên ngân hàng ASEAN – Trung Quốc (CAIBA) lần thứ 10 và cuộc họp Cơ chế Hợp tác Liên ngân hàng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) (APTIBCM) năm 2020 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng chủ trì sáng ngày 10/11.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh (thứ ba, từ trái sang) và các đại biểu từ BIDV - đơn vị đồng chủ trì Hội nghị thường niên CAIBA lần thứ 10

Hội nghị đã đón tiếp ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đặng Tích Quân - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại ASEAN, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Vụ Hợp tác quốc tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng gần 70 lãnh đạo, chuyên gia ngân hàng từ các ngân hàng thành viên của CAIBA và Cơ chế Hợp tác APTIBCM.

Năm 2020 đánh dấu 10 năm thành lập, phát triển của Hiệp hội Liên ngân hàng ASEAN – Trung Quốc (CAIBA). Năm nay cũng là lần đầu tiên Hội nghị thường niên CAIBA được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác tài chính góp phần tăng trưởng bền vững sau đại dịch”, các khách mời cùng đại diện các ngân hàng thành viên và ngân hàng quan sát viên của Hiệp hội CAIBA và Cơ chế Hợp tác APTIBCM đã cùng chia sẻ, trao đổi về các vấn đề trọng tâm của ngành tài chính - ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với những tác động của đại dịch  COVID-19.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh chúc mừng Hiệp hội CAIBA kỷ niệm tròn 10 năm thành lập và hoan nghênh Cơ chế Hợp tác APTIBCM được thành lập năm 2019; Đồng thời, Phó Thống đốc cũng điểm lại các kết quả đã đạt được của Việt Nam ứng phó với tác động của đại dịch nhằm khôi phục kịp thời các hoạt động kinh tế - xã hội. “Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng gắn liền với triển khai quyết liệt các giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh, hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm đáng kể, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng, qua đó góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, củng cố mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư hồi phục kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.

Tại Hội nghị, các ngân hàng đều nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng thành viên, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các đề xuất tăng cường các hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa các ngân hàng thành viên nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và vai trò của Hiệp hội CAIBA cũng như Cơ chế Hợp tác APTIBCM, qua đó góp phần vào sự phát triển thịnh vượng chung trong khu vực.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch BIDV phát biểu tại Hội nghị

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định: Trong 10 năm qua, trên cơ sở lợi ích chung và sự thịnh vượng của khu vực, các ngân hàng thành viên của Hiệp hội đã tăng cường hợp tác và kết nối tài chính song phương và đa phương, nâng cao vai trò của Hiệp hội trong khu vực. Đặc biệt, trên cơ sở nền tảng của Hiệp hội CAIBA, Cơ chế hợp tác ngân hàng thành viên ASEAN và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản được thiết lập đã mở ra cơ hội hợp tác giữa các bên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực ASEAN+3.

Tại Phiên thảo luận, các ngân hàng thành viên đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các đánh giá chuyên sâu về các chủ đề đang được quan tâm, cụ thể: (i) Hợp tác trong khu vực nhằm ứng phó với dịch COVID-19 và khôi phục sau đại dịch; (ii) Đẩy mạnh số hóa ngân hàng trong và sau COVID-19; (iii) Hỗ trợ các khách hàng SME – phân khúc khách hàng bị tác động mạnh trong và sau COVID-19. Theo đó, các ngân hàng thành viên đã đưa ra các sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm để thích nghi tốt hơn với các hoàn cảnh mới, cùng đoàn kết vượt qua các khó khăn nhằm nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng và dẫn đầu các xu thế kinh doanh.

Các điểm cầu tham gia Hội nghị trực tuyến

Tại Hội nghị năm nay, các ngân hàng thành viên cũng đồng thuận ký kết Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm của các ngân hàng thành viên CAIBA và APTIBCM trong việc triển khai một số nội dung cụ thể nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh quyết tâm ủng hộ các biện pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước triển khai, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp và dự án bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua các hình thức hợp tác phù hợp với quy định của pháp luật các bên; nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới thông qua tăng cường nền kinh tế số; tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và bài học ứng phó COVID-19.

Các ngân hàng thành viên Hiệp hội CAIBA và APTIBCM ký kết Tuyên bố chung nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19

Cũng tại Hội nghị, BIDV đã chuyển giao quyền đồng chủ trì Hội nghị thường niên năm 2021 sang Ngân hàng Bank Islam Brunei Darussalam của Vương quốc Brunei.

Hiệp hội Liên ngân hàng ASEAN – Trung Quốc (CAIBA) được khởi xướng và thành lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN  -Trung Quốc vào ngày 22/7/2010 tại Hà Nội. Thành viên của CAIBA gồm 11 ngân hàng lớn từ các nước ASEAN và Trung Quốc gồm: DBS (Singapore), Kasikorn Bank (Thái Lan), Bank Mandiri (Indonesia), CIMB Group (Malaysia), Banco De Oro (Philippines), Bank Islam Brunei Darussalam - BIBD (Brunei), Canadia Bank (Campuchia), Lao Development Bank (Laos), Ngân hàng Ngoại thương Myanmar (Myanmar), BIDV (Việt Nam) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc  (CDB). Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội CAIBA là : (i) thiết lập một cơ chế hiệu quả để cung cấp dịch vụ tài chính cho các dự án tại các nước ASEAN và Trung Quốc, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực; (ii) phát triển quan hệ hợp tác dài hạn phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc bình đẳng để các Bên cùng có lợi; (iii) cho phép các ngân hàng ASEAN và CDB làm đối tác ưu tiên lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính; (iv) thu hẹp khoảng cách đầu tư thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc và kích thích phát triển trong khu vực.

Cơ chế Hợp tác liên ngân hàng ASEAN+3 được thiết lập trên cơ sở Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa 10 ngân hàng thành viên hiện hữu thuộc ASEAN của Hiệp hội CAIBA và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hội nghị Lãnh đạo cấp cao Hiệp hội CAIBA năm 2019 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm tài trợ dự án (project financing), các giao dịch tài sản tài chính (financial assets transactions), ngân hàng giao dịch (transaction banking), đào tạo và chia sẻ (training and sharing) cũng như các lĩnh vực hợp tác khác như đầu tư và tài trợ xanh, Fintech và các lĩnh vực quan tâm khác.

 

H.Y