Kinh tế số trở thành một xu thế tất yếu
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:56, 11/11/2020
Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam là một sự kiện chào mừng năm Việt Nam Asean và tuần lễ cấp cao Asean 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo của Diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của chính phủ đã đề ra.
Thoát hiểm và bứt tốc trong COVID-19
Toàn cảnh diễn đàn - Ảnh: Chu Xuân Khoa. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times đánh giá, đại dịch COVID-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Dẫn chứng dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lâm cho biết, năm 2020 nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới -5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Trong bối cảnh đó, với độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực tế là, COVID-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. “Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng vừa qua đã trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua”, ông Lâm nhấn mạnh.
“COVID-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Song, đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá”, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại diễn đàn. “Trong 6 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho biết, thế giới đang chứng kiến sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh, tiên tiến của khoa học công nghệ. Kết quả của sự phát triển này tất yếu sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới - thời đại số. Thời đại này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi nơi trên thế giới.
“Quá trình chuyển đổi số hứa hẹn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn”, ông Nguyễn Minh Vũ chia sẻ.
Một dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.
“Dù mức tăng trưởng còn thấp, còn bộn bề khó khăn để tái thiết và khôi phục kinh tế trong và sau đại dịch, song những nỗ lực không ngừng nghỉ từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong suốt thời gian qua là cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gam màu sáng vào cuối năm 2020. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu để khép lại giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, tạo động lực tăng trưởng cho một giai đoạn quan trọng mới”, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Các diễn giả tham gia thảo luận tại diễn đàn- Ảnh: Chu Xuân Khoa. |
“Kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới”, ông Trử Văn Lâm chia sẻ. Còn tại Việt Nam thì sao?. Ông Lâm cho biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo. Để đạt được mục tiêu này, ông Lâm cho rằng, doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tại diễn đàn, các diễn giả đều có chung nhận định: “Kinh tế số là xu hướng phát triển rất tất yếu của công nghệ và xã hội ngày nay”. Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới. “Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Để chuyển đổi số thành công
Tại diễn đàn các diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động đầu tư và vận hành công nghệ số mà là quá trình ứng dụng công nghệ để tạo ra hoặc thay đổi các quy trình quản trị doanh nghiệp, phương thức kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng thúc đẩy đổi mới, hiểu đúng về năng lực số, có chiến lược chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả với hiện trạng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo và duy trì một tinh thần sáng tạo, một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, chuyển đổi số là quá trình không đích đến, đừng bao giờ tin doanh nghiệp nói chuyển đổi số thành công. “Chúng ta tìm thấy trải nghiệm mang tới tốt hơn cho khách hàng. Vấn đề làm sao có văn hoá, năng lượng nội tại từ đó luôn cải tiến thay đổi, luôn có năng lượng đầu tư con người nguồn lực”, ông Lân bày tỏ.
Ông Trần Công Quỳnh Lân (bên trái), Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank - Ảnh: Chu Xuân Khoa. |
Chia sẻ câu chuyện về chuyển đổi số tại VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết, VietinBank tin rằng chuyển đổi số là năng lực cạnh tranh, là điểm khác biệt bởi các sản phẩm ngân hàng là giống nhau. Với nhận định điểm khác biệt là trải nghiệm nên VietinBank ưu tiên chuyển đổi số 4 lĩnh vực: Thứ nhất là nâng cao trải nghiệm khách hàng, muốn đem dịch vụ thanh toán không chỉ app của VietinBank mà Agoda, Booking…; thứ hai, nâng cao năng suất lao động, big data; thứ ba, kết hợp đối tác xây dựng hệ sinh thái gắn kết thành chuỗi mà khách hàng quan tâm; thứ tư, phân tích dữ liệu để hiểu hơn khách hàng.
Còn với Viettel Post, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc cho rằng: “Với chúng tôi hay với mỗi doanh nghiệp thì đều có chiến lược chuyển đổi số khác nhau. Chúng ta đầu tư phải phù hợp với chính doanh nghiệp đó và mục đích là mang tiện lợi nhất đến khách hàng”.
Riêng đối với ngành bưu chính, ông Long cho biết, bưu chính trước kia thường chuyển thư nhưng khi có internet thì thư tay giảm rất nhiều. Hiện thư chủ yếu là thư giao dịch viết tay. Do đó, hàng Viettel Post vận chuyển hầu hết là hàng thương mại điện tử. “Chúng tôi phải trải qua thời gian rất dài để có thời điểm hiện tại, từ việc khách hàng không sử dụng máy tính sang sử dụng máy tính, từ việc sử dụng máy tính chuyển sang điện thoại thông minh. Bây giờ, khách hàng cần thông tin, thì tất cả đều được số hoá, dùng chatbot. Chúng tôi cũng dùng chatbot để hỗ trợ nhân viên. Nhân viên không cần cầm tay chỉ việc, họ chỉ cần sử dụng app nội bộ. Chúng tôi cũng gọi đây là hệ thống Supper App”, ông Long chia sẻ.
Còn với ngành bán lẻ, bà Dương Thanh Tâm, Chuyên gia quản trị chiến lược, Phó tổng giám đốc VinCommerce cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu hiện hữu. Hiện nay khách hàng gần như không lựa chọn mua hàng bởi sản phẩm và chính sách bán hàng không còn là vũ khí cạnh tranh của các nhà bán lẻ nữa. Do đó, các doanh nghiệp phải biết được sự vượt trội của sản phẩm ở đâu để có chính sách bán hàng cạnh tranh. Hiện tại, khác biệt giữa các nhà bán lẻ xuất phát ở 2 yếu tố, đó là: Tiện ích; trải nghiệm khách hàng trong mua sắm.
Vậy đâu là tiền đề để chuyển đổi số?, Trả lời câu hỏi này, bà Thanh Tâm cho rằng, đầu tiên là mô hình kinh doanh, mô hình kinh doanh phải được xác lập lại, trước đây tương tác vật lý, bán lẻ có các cửa hàng, các tiệm, mở ở phố, trung tâm thương mại, chân dung khách hàng đã theo nhiều năm, nhưng khi chuyển đổi số phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Sau khi xác định được tiền đề để chuyển đổi số, vậy chuyển đổi số thay đổi thế nào?. Bà Thanh Tâm cho rằng, đây không phải là xu hướng “trend”, vai trò chuyển đổi số sẽ mang lại giá trị tài chính cho cho doanh nghiệp để tăng trưởng doanh thu, giữ chân khách hàng cũng như mang lại khách hàng mới.
“Chuyển đổi số doanh nghiệp phải đầu tư dài hơi cho hệ thống quản trị chuỗi cung ứng và logistic. Bởi vì, dù lên các sàn thương mại điện tử chúng ta có thể có khách hàng nhưng sẽ không có những hệ thống đằng sau đó”, bà Thanh Tâm nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội nhấn mạnh đến yếu tố con người và coi đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số. Bởi theo ông Dũng, khi coi con người là trung tâm có thể tăng GDP lên 2%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng của người lao động trong 10 năm không được cải thiện thì mỗi năm chúng ta sẽ mất 5.000 tỷ USD. Bởi vậy ông Dũng cho rằng: “Kỹ năng không chỉ là là vấn đề đơn thuần mà còn là vấn đề để phát triển kinh tế”.
Tại diễn đàn, các diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, thế giới đã, đang và sẽ phải duy trì trạng thái bình thường mới. Do vậy, để đạt được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chủ động ứng phó với những biến động khó lường của đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số là chìa khóa giúp các quốc gia và doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc trên hành trình phát triển.