PwC: Tái định hình doanh nghiệp cho tương lai số bền vững

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:34, 13/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Để tăng cường khả năng thích ứng và vươn lên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận lại mô hình kinh doanh, mạnh mẽ chuyển đổi số và củng cố nguồn nhân lực một cách bền vững hơn”.

Đây là nội dung được bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhấn mạnh trong Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/11/2020. PwC Việt Nam một lần nữa được lựa chọn là đối tác tri thức cho Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp PwC đảm nhận vai trò này. Hội nghị là một trong những sự kiện thượng đỉnh kinh doanh quốc tế lớn nhất được tổ chức hàng năm bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam

Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, hội nghị có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư tham gia đối thoại, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp thành công tại Việt Nam.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020

Tại hội nghị, các đại biểu đồng thời thảo luận về định hướng chính sách, các cơ hội kinh doanh -- đầu tư trong kỷ nguyên số. Sự kiện đã tiếp đón khoảng 300 đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam cũng như các đơn vị đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do COVID-19, các cuộc thảo luận tại hội nghị xoay quanh ba chủ đề chính: Các cơ hội và môi trường đầu tư tại Việt Nam, phát triển ngành dịch vụ hậu cần thông minh để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các bước tiến công nghệ cao trong ngành nông nghiệp.

Phát biểu về tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh đến triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam trên nền bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 8/2020 cho rằng, mặc dù không đứng ngoài những tác động tiêu cực của đại dịch, Việt Nam kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng 2,9% năm 2020. Cũng theo WB, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Điều này phần lớn nhờ vào những biện pháp kịp thời của chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp cứu trợ kinh tế hiệu quả.

“Tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng ngày một trở nên rõ rệt và đang thúc đẩy những thay đổi mang tính chất hệ thống. Triển vọng của kinh tế Việt Nam có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, để bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này và phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, Việt Nam cần định hướng rõ ràng và có hành động cụ thể để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong tương lai”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhận định.

Phát triển bền vững để tái thiết tương lai

Theo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện tháng 7/2020 cho thấy, các kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ COVID-19: Ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai.

Theo đó, 41% các CEO cho biết phát triển doanh nghiệp theo hướng số hóa và nền tảng trực tuyến là ưu tiên hàng đầu, theo sau là 26% các CEO có kế hoạch xây dựng lực lượng lao động linh hoạt hơn với các chính sách lấy con người làm trọng tâm. Các xu hướng này đồng thời được phản ánh qua nội dung thảo luận tại hội nghị.

“Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Để định hướng trước những biến động hiện nay, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến thay đổi trong doanh nghiệp của mình”, bà Quỳnh Vân chia sẻ.

COVID-19 đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, cho phép các công ty đi đầu trong chuyển đổi số có được những lợi thế nhất định.

Cũng trong báo cáo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC, 76% lãnh đạo tin rằng tự động hóa sẽ là xu hướng tất yếu, đồng nghĩa với việc sẽ cần nguồn lực đáng kể để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này, trong đó phải kể đến nâng cao kỹ năng cho người lao động. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần chú trọng tìm ra phương án thích hợp để nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động.

Chia sẻ về điều này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết: “COVID-19 đã bộc lộ và thậm chí làm gia tăng thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng chiến lược kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp trong tương lai. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của các cấp lãnh đạo từ cả hai”.

Đ.T