Phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020-2025

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:47, 16/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 8087/NHNN-TĐKT về việc phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, Thống đốc NHNN phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành Ngân hàng giai đoạn 2020-2025” với mục đích động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025 do Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII đề ra.

 

Đối với các đơn vị thuộc NHNN: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, thông lệ quốc tế và xu hướng hội nhập trong tình hình mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Tăng trưởng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch; tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn;

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng thanh tra pháp nhân, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát, từng bước triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro; Giám sát chặt chẽ và tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn mới nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam;

Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư trong hoạt động ngân hàng nói chung và đặc biệt là hoạt động thanh toán; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ, ngân hàng quốc tế;

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, định hướng, chính sách, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao nhận thức và gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam: Chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của NHNN về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Chủ động xây dựng và hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh hàng năm phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tính minh bạch thông tin hoạt động theo quy định của pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động. Nâng cao chất lượng tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Có các giải pháp tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”.

Phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng; cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, giàu tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong kỷ nguyên số; đẩy mạnh các phương thức thanh toán điện tử, triển khai các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống; Tiếp tục tổ chức thực hiện “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với Khối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Triển khai có hiệu quả Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học…; Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”…; Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, gắn hoạt đông nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới với đào tạo, với thực tế hoạt động kinh tế - xã hội và của Ngành; Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý và giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học, đánh giá và quản lý giáo dục; mở rộng các hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế với các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của NHNN và của Ngành…

Đối với các tổ chức đoàn thể: Phối hợp với Thủ trưởng đơn vị phát động các phong trào thi đua, động viên người lao động hăng say làm việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Tổ chức các hoạt động nhằm tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của Ngành và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành; Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đẩy mạnh trật tự kỷ cương, văn hóa công sở, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Đối với Cơ quan thường trực các Hiệp hội và các doanh nghiệp do NHNN quản lý: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chính sách, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh của hội viên, doanh nghiệp; Chủ động đề xuất và tham gia đóng góp ý kiến với NHNN trong xây dựng cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng; Tăng cường vai trò của Hiệp hội trong việc xây dựng các quy tắc kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp. Khuyến khích các hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh nhằm ổn định và phát triển; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động và theo dõi việc thực hiện Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng…

Căn cứ vào nội dung thi đua và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt và cụ thể hóa các nội dung để phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025 phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”.

H.Q