Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế
Đại hội XIII của Đảng - Ngày đăng : 09:07, 18/11/2020
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, hai mục tiêu đầy tham vọng đang được đưa ra trong Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030. Một là, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao - sớm hơn 5 năm so với khát vọng Việt Nam 2035 và năm 2045 sẽ trở thành nước thu nhập cao.
Đây là một giấc mơ lớn, táo bạo về một Việt Nam thịnh vượng đang hình thành, đúng vào lúc cả thế giới đang rung chuyển bởi những biến động lớn lao, tạo nên một môi trường khác xa so với trước và mang lại cả những thách thức lẫn thời cơ mới hiếm có, đặc biệt cho các nước đang phát triển đang muốn tìm đường vượt lên.
Hiện thực hóa khát vọng hay giấc mơ đó đòi hỏi những nỗ lực phi thường và chuyển biến vượt bậc, đột phá, vượt lên chính mình của mọi người Việt Nam,Trong công cuộc phát triển lần này, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, có cơ hội và trách nhiệm phát huy vai trò động lực của nền kinh tế, góp sức thực hiện những chuyển đổi nói trên.
Nhưng, để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả Nhà nước và phía doanh nghiệp.
Việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Còn với khu vực kinh tế tư nhân, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới.
Trong gần 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong việc làm cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường trở nên không thể đảo ngược được, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất quá trình này và thiết lập nền tảng vững chắc của kinh tế thị trường.
Nguyên tắc quan trọng nhất của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh. Nguyên tắc này cần được thực hiện trên nền tảng của một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, những người chơi chính trên thị trường.
Tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh đòi hỏi Nhà nước tập trung thực hiện bằng được hai việc lớn: tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa các thị trường nhân tố.
Về tăng cường các thể chế thị trường, một thị trường hoạt động tốt đòi hỏi phải có các luật chơi được xác định rõ ràng, minh bạch, tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc. Chính sách cạnh tranh và đảm bảo quyền tài sản của doanh nghiệp là những luật chơi quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành những doanh nghiệp tự tin, năng động, sáng tạo, biết liên kết với nhau, tuân thủ pháp luật và kinh doanh một cách có trách nhiệm để làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội.
Nhà nước ta đã khẳng định sự cam kết tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế, đảm bảo quyền tài sản của doanh nghiệp và người dân, thể hiện trong Hiến pháp cũng như trong các luật về doanh nghiệp, về đầu tư và các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, có những quy định trong một số các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa tương thích với cam kết đó hoặc chưa đủ minh bạch, tạo điều kiện cho một số cơ quan và công chức có trách nhiệm tùy nghi thực hiện theo hiểu biết, năng lực, đạo đức và lợi ích của họDo đó, nâng cao chất lượng của bộ máy và con người, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ cương, chế tài trong hệ thống nhà nước, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thiết kế và thực thi chính sách, tăng cường sự tham gia, giám sát và tiếng nói của doanh nghiệp và xã hội là những công cụ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước trong việc này.
Trong những vấn đề cạnh tranh bình đẳng ở nước ta, việc tiếp cận các nguồn lực là vấn đề luôn nóng bỏng nhất đối với doanh nghiệp. Hệ thống phân bổ nguồn lực của Nhà nước cần được cải cách mạnh mẽ, theo hướng các nguồn lực được dành cho những doanh nghiệp, dự án nào có thể đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn nhất cho đất nước, cho đông đảo người dân.
Nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình phải được áp dụng trong mọi quyết định về phân bổ hay tái phân bổ nguồn lực, kể cả khi đề xuất, thiết kế và quyết định thực hiện các dự án đầu tư công hay tư cần sử dụng nhiều nguồn lực. Trong điều kiện nước ta còn thiếu những nguồn lực lớn rất cần thiết cho phát triển một nền kinh tế hiện đại trong những năm tới, điều này càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.
Trước mắt, Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào sân chơi bằng phẳng, buộc khu vực này áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, nâng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước với họ. Điều này sẽ giúp tăng cường cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ những đặc quyền không chính đáng dành cho doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước đổi mới và chấp nhận cạnh tranh, đồng thời giúp tái phân bổ nguồn lực trong tay doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp khác có thể sử dụng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chính sách ưu đãi dành cho FDI và các DN khác. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng phải được xóa bỏ. Các DN phải được đặt vào một sân chơi bằng phẳng, công bằng, minh bạch với đông đảo DN trong khu vực kinh tế tư nhân.
Các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp cũng cần được bố trí lại, chủ yếu để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao kỹ năng, hoặc thông tin, tư vấn giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, cùng nhau tạo lập hoặc tham gia các liên kết, các chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần cùng Nhà nước và cùng nhau thúc đẩy việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh ở nước ta. Các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, thực hiện các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, liêm chính và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chống sự hình thành các nhóm lợi ích đi ngược lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp hay của xã hội, chống các hành vi gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh. Một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần được chính các doanh nghiệpmọi thành phần kinh tế cùng nhau tạo lập và bảo vệ ngay tại các sân chơi của mình.