Tăng cường hợp tác khu vực và triển vọng nền kinh tế số ASEAN

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 13:54, 18/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các thị trường đang phát triển trong ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động dồi dào, là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong khu vực và là nền tảng quan trọng cho những sáng kiến đổi mới lấy người tiêu dùng làm trọng tâm.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BIS) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bob Moritz, Chủ tịch PwC cho rằng, COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN nhìn nhận lại và cân nhắc những hướng đi mới trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng đã một lần nữa nhấn mạnh mức độ cần thiết của sự gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực để cùng nâng cao phát triển con người cũng như kinh tế.

Theo ông Bob Moritz, là một khu vực đa dạng, ASEAN có nhiều cơ hội hợp tác và bổ trợ giữa các nước thành viên. Các nền kinh tế phát triển trong khu vực có thể tiên phong trong các dự án về nghiên cứu và phát triển, bồi dưỡng tài năng cho tương lai, phát triển cơ sở hạ tầng và thể chế cho khu vực. Mặt khác, các thị trường đang phát triển trong ASEAN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động dồi dào, là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế và là nền tảng quan trọng cho những sáng kiến đổi mới lấy người tiêu dùng làm trọng tâm.

“Bất chấp suy thoái hiện nay, các quốc gia ASEAN sở hữu triển vọng đầu tư hấp dẫn nhờ vào mạng lưới thương mại tốt, tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và lực lượng lao động trẻ, có đào tạo”, ông Bob Moritz nhấn mạnh.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10/2020, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục dự đoán mức tăng trưởng của khu vực này ở mức cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Hơn nữa, đây là khu vực tiềm năng phát triển các dòng thương mại nội khối khi các doanh nghiệp tìm cách hạn chế rủi ro từ sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại bên ngoài.

Trong bối cảnh tác động của đại dịch đang tái định hình môi trường kinh tế số năng động của khu vực, Chủ tịch PwC toàn cầu khẳng định thế giới mới sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới. Với con số 400 triệu người dùng internet, đây là môi trường giàu tiềm năng mang lại cơ hội đặc biệt cho tất cả các bên tham gia vào nền kinh tế số, ở cấp độ doanh nghiệp cũng như chính phủ - từ người dân, nhân viên, cho tới các đối tác kinh doanh, các nhà cung cấp và các đơn vị đầu tư.

Do vậy, Chủ tịch PwC cho rằng, ASEAN cần quan tâm tiếp cận toàn diện để nền kinh tế khu vực vươn lên mạnh mẽ hơn sau COVID-19 và sẽ cần đến sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

Bắt đầu từ chính phủ với vai trò tạo điều kiện thuận lợi, thông qua làm việc với các bên để từ đó xác định tầm nhìn và xây dựng chính sách hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc thực thi và mang đến các giải pháp mới cho những thách thức hiện hữu cũng như mới nổi trong khu vực. Bên cạnh đó, xã hội sẽ có vai trò định hướng khi tích cực tham gia lên tiếng về các ưu tiên cũng như nhu cầu trong cộng đồng để đảm bảo cân bằng cho cán cân tăng trưởng.

“Phát triển kinh tế gắn với tính bền vững sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo từ các cấp cũng như những kỹ năng mới của lực lượng lao động trong thời đại số. Rõ ràng là, chính phủ, các doanh nghiệp, các lãnh đạo địa phương và các nhà giáo dục cần chung tay và quyết tâm trước nhiệm vụ cấp thiết này để thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho doanh”, ông Bob Moritz chia sẻ quan điểm.

Lan Nguyễn