Chuẩn bị có quy định mới về giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ

Chính sách mới - Ngày đăng : 16:23, 18/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang hoàn thiện để trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP).

Theo dự thảo Thông tư được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, KBNN thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP theo hình thức thỏa thuận điện tử, đảm bảo việc lựa chọn đối tác giao dịch theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất mua lại có kỳ hạn TPCP. Giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN được thực hiện trên hệ thống giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Hàng quý, căn cứ hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP được Bộ Tài chính phê duyệt, chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN xác định và thông báo hạn mức dư nợ giao dịch quý cho từng ngân hàng thương mại (NHTM).

Các đối tác giao dịch mua lại phải là các NHTM đáp ứng các tiêu chí (1) đang là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán, (2) trong danh sách các NHTM có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP (3) Không vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với KBNN theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này trong vòng ba 3 năm liền kề trước thời điểm KBNN thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP.

Đánh giá về công tác phát hành trái phiếu chính phủ, trong một báo cáo gần đây, KBNN cho biết năm 2020 có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới công tác phát hành như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài, giá vàng liên tục tăng cao; dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Tại thị trường quốc tế, ngân hàng trung ương các nước thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất trái phiếu TPCP các nước trong khu vực và trên thế giới giảm.

Ở Việt Nam, dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến thu, chi ngân sách nhà nước: Chính phủ thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh; giãn, hoãn thuế, giãn thời gian đóng bảo hiểm, đẩy mạnh chi hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ; thúc đẩy đầu tư công để tạo đà tăng trưởng kinh tế. Các động thái này đều khiến nhu cầu vốn cho cân đối ngân sách nhà nước cao.

Cụ thể, tháng 10/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 15 đợt đấu thầu, huy động được tổng cộng 31.643 tỷ đồng trái phiếu, giảm 47% so với tháng trước. Trong đó 100% trái phiếu huy động được do KBNN phát hành. Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 10 đạt 74,4%, khối lượng đặt thầu gấp 1,6 lần khối lượng gọi thầu.

So với tháng trước, lãi suất trúng thầu của trái phiếu KBNN giảm tại tất cả các kỳ hạn với mức giảm từ 0,13-0,24%/năm, trong đó giảm mạnh nhất là kỳ hạn 20 năm, giảm 0,24%/năm so với tháng trước.

Trên thị trường TPCP thứ cấp tháng 10, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.863 tỷ đồng/phiên, tăng 15,6% so với tháng trước. Giá trị giao dịch repos chiếm 25,24% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Theo đó, khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1,65 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 178,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31% về giá trị so với tháng trước.

Khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 535 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 60,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% về giá trị so với tháng trước.

Giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 3,42 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright của NĐTNN đạt hơn 2,98 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch bán repos của NĐTNN đạt hơn 99,4 tỷ đồng. Như vậy tháng 10 NĐTNN mua ròng 336 tỷ đồng.

Tổng giá trị niêm yết TPCP tính đến ngày 30/10/2020 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng.

Tình hình huy động Trái phiếu Chính phủ tháng 10/2020 (nguồn HNX)

                                          Tình hình huy động Trái phiếu Chính phủ tháng 10/2020 (nguồn HNX)

Hoàng Duy