Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để phát huy vai trò bảo hiểm tiền gửi

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:28, 20/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi (số 06/2012/QH13), các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG).

Khi bị lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, thì tổ chức BHTG bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho cá nhân có tiền gửi theo hình thức và hạn mức quy định phù hợp từng thời kỳ, do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).  Đặc biệt, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (2017), BHTG Việt Nam còn tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, như: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét…

Thực tiễn hạn mức BHTG tại Việt Nam

Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với chính sách đổi mới và mở cửa của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã có những bước tiến quan trọng trong hoạt động, đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh ngân hàng và hệ thống ngân hàng chuyển từ một cấp sang hai cấp, các tổ chức tín dụng phát triển nhanh về quy mô, loại hình và hình thức sở hữu. Sự phát triển của ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng cũng đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt, hàng loạt hợp tác xã tín dụng đổ vỡ vào cuối những năm 1980-1990 đã ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc thành lập tổ chức BHTG tại Việt Nam trở nên vô cùng cấp thiết. Ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập BHTG Việt Nam (BHTGVN), hoạt động theo khung pháp lý là Nghị định 89/1999/NĐ-CP về BHTG, trong đó quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG, tối đa là 30 triệu đồng.

Sau 5 năm hoạt động, năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức BHTG lên 50 triệu đồng để phù hợp với sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội.

Đến năm 2012, cơ sở pháp lý về BHTG được hoàn thiện khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHTG số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012. Điều 24, Luật BHTG quy định: (1) Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; (2) Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Nhận thấy hạn mức BHTG ở mức 50 triệu trong thời gian dài không còn phù hợp với tình hình thực tế, BHTGVN tiến hành xây dựng Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm, đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ tăng hạn mức BHTG lên 75 triệu đồng. Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ 5/8/2017, theo đó hạn mức BHTG được nâng lên là 75 triệu đồng. Tại thời điểm năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%.

Việc điều chỉnh hạn mức BHTG lên 75 triệu đồng là phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG tại thời điểm đó. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu khá khiêm tốn, tính đến ngày 31/8/2020 tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đã tăng lên 5 nghìn tỷ đồng, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Như vậy, năng lực tài chính của BHTGVN đã được nâng cao, ngày càng bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Kịp thời nâng hạn mức chi trả tiền bảo hiểm

Sau hơn 3 năm áp dụng hạn mức BHTG là 75 triệu đồng, các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức BHTG như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có nhiều thay đổi. GDP tăng trưởng ở mức cao trong hai năm gần đây (năm 2018 là 7,08% và năm 2019 là 7,02%). Tuy tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại trong năm 2019 nhưng vẫn cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017. GDP bình quân đầu người đã tăng từ 48,6 triệu đồng (tương đương 2.215 USD) vào năm 2016 lên 60,5 triệu đồng (tương đương 2.600 USD) vào năm 2019.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Tình hình tiền gửi được bảo hiểm cũng đã có những thay đổi đáng kể. Đồng thời, năng lực tài chính của BHTGVN đã tăng đáng kể.

Hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch COVID-19 dù đã được kiểm soát những vẫn gây tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra quyết định về giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, qua đó giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ dự kiến nâng hạn mức BHTG. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng.

Việc xem xét nâng hạn mức BHTG hiện nay được đánh giá là kịp thời nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTG, ổn định tâm lý người gửi tiền, góp phần duy trì nguồn vốn huy động từ dân cư cho đầu tư phát triển, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng, sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.