Định kỳ rà soát hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:28, 05/09/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là nội dung quan trọng trong chính sách BHTG bởi nó có tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Việc định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp để điều chỉnh hạn mức BHTG kịp thời, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế xã hội giúp người dân quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHTG, từ đó góp phần nâng cao vị thế của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng và đối với người gửi tiền.

Theo khoản 1, Điều 24, Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm được định nghĩa là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Chính sách hạn mức BHTG cần phải đồng bộ với mục tiêu chung của chính sách BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ; đồng thời, góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền, ngăn chặn sự rút tiền ồ ạt mất kiểm soát, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng.

Thông lệ quốc tế về xác định hạn mức BHTG

Đối với các tổ chức BHTG trên thế giới, cơ sở để xây dựng chính sách BHTG, trong đó có chính sách về hạn mức là Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). IADI đã dựa vào nghiên cứu thực tiễn, sàng lọc những kinh nghiệm thực tế tại các tổ chức BHTG để xây dựng nên Bộ nguyên tắc cơ bản và các tài liệu hướng dẫn. Bộ nguyên tắc cơ bản được công nhận là tiêu chuẩn quốc tế về BHTG để các nước xây dựng mới hoặc cải cách hệ thống BHTG hiện hành.

Cụ thể, Nguyên tắc 8 trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức chi trả BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho đại đa số người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.        

Nguyên tắc này cũng đi kèm với các tiêu chí cơ bản nhằm xây dựng hạn mức BHTG phù hợp tại từng quốc gia, tiêu biểu như:

- Hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường, có khả năng bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% đến 95% người gửi tiền;

- Hệ thống BHTG áp dụng hạn mức và phạm vi bảo hiểm công bằng cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG;

- Hạn mức và phạm vi BHTG được rà soát và đánh giá định kỳ (ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.

Yếu tố xác định thời điểm thay đổi hạn mức chi trả BHTG

Cũng theo khuyến cáo của IADI, hiệu quả của hạn mức BHTG có thể giảm theo thời gian và cần phải được rà soát, xem xét lại thường xuyên. Theo thời gian, yếu tố lạm phát có thể làm giảm giá trị thực sự của BHTG, cấu phần và quy mô của các khoản tiền gửi có thể thay đổi hay có thể có thêm các công cụ tiền gửi mới. Do đó, điều chỉnh phạm vi và hạn mức bảo hiểm định kỳ là cần thiết. Đa phần những điều chỉnh hạn mức BHTG xuất phát từ thực trạng diễn biến kinh tế tại mỗi quốc gia, hoặc phục vụ cho những chiến lược phát triển hệ thống tài chính của chính phủ nước đó trong tương quan với các chính sách về BHTG. Nhìn chung, hạn mức trả tiền BHTG cần được xem xét để đảm bảo có sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ người gửi tiền và nguyên tắc thị trường, tăng cường ổn định tài chính.

Thời gian qua, những yếu tố kinh tế vĩ mô tại Việt Nam liên quan đến việc xác định hạn mức chi trả BHTG như: GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, quy mô tiền gửi,… có nhiều thay đổi.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về quy mô vốn cũng như khối lượng tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế chung.

Bên cạnh đó, một loạt văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng thay đổi theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới cho tổ chức BHTG – Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Một trong những nhiệm vụ mới của BHTGVN là tập trung vào việc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền. Nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, bao gồm: nhiệm vụ tham gia kiểm soát đặc biệt, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với tổ chức tín dụng yếu kém, cho vay hỗ trợ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ,… nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đặc biệt, theo Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, BHTGVN được giao nhiệm vụ phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền dư phí BHTG để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của BHTGVN đạt mức hơn 64 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thời điểm ngày 31/12/2019. Quy mô quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN cũng đạt mức hơn 58 nghìn tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nguồn tích lũy quan trọng, nguồn lực mạnh mẽ để bảo đảm BHTGVN có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm để xem xét, điều chỉnh kịp thời với thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội và bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền là cần thiết nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức BHTG không chỉ quyết định số tiền bảo hiểm mà người gửi tiền nhận được khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà còn tác động đến hành vi của người gửi tiền khi chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng, không lo lắng, rút tiền ra khỏi ngân hàng, dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi có biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp hạn chế tác động lây lan khi có ngân hàng đổ vỡ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

 

Ngọc Nhi