Việt Nam cần 150 tỷ USD đầu tư các dự án phát điện

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 16:27, 24/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD (bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước) để đầu tư các dự án phát điện.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” do Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) phối hợp với Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức sáng 24/11. Hội thảo giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, cơ quan quản lý của Nhà nước đánh giá về hướng tiếp cận, phương thức huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng.

Việt Nam cần 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, chia sẻ: Năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Theo tính toán trong 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1/2 tổng GDP hiện nay của đất nước. Song, với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, ông Đông đánh giá dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI)

“Trước khi đi chợ, hiểu biết cách thức hoạt động của chợ là một đòi hỏi khách quan, để không bị hớ khi mua phải những món hàng đắt đỏ, để lại hệ lụy phải trả giá đắt cho mai sau”, ông Đông ví von.Ông Đông cho biết từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA đang khép lại, nguồn vốn duy nhất còn lại là từ các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên ông Đông lưu ý dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ.

Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia và là một nhu cầu thiết yếu với sinh hoạt của con người.

“Việt Nam xác định ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, ông Hiển nói.

Tiếp cận vốn từ các định chế tài chính, tín dụng quốc tế

Ông Hiển cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do “vướng” một số quy định về cho vay đối với các dự án năng lượng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết.

Việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa

Đề cập đến Nghị quyết 55 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm, Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá đây là nghị quyết có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Theo ông Hiển, Nghị quyết 55 đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện”.

Để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Ông nói dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn, sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; và rủi ro thấp.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó ban Kinh tế Trung ương

“Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Phó ban Kinh tế Trung ương quán triệt cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh; có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; có cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Đặc biệt là minh bạch giá mua bán điện.

Chính sách quản lý ngoại hối thông thoáng

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), chính sách quản lý ngoại hối đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam tương đối hoàn thiện, đóng góp tích cực vào thành công trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền vào Việt Nam trước khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thanh toán các chi phí trước đầu tư, được sử dụng tiền đã chuyển vào Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để chuyển thành vốn góp, chuyển thành vốn vay hoặc chuyển trả về nước.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước)

Đối với các dự án điện, Ngân hàng Nhà nước đã phối với hợp với các bộ, ngành hướng dẫn cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ cho các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Về cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, ông Minh cho biết, Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ trên cơ sở chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ. Theo ông Minh, trường hợp doanh nghiệp dự án PPP đã thực hiện quyền mua ngoại tệ trên thị trường nhưng thị trường không đáp ứng được, thì được đảm bảo cân đối ngoại tệ không quá 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ đi số chi tiệu bằng đồng Việt Nam.

Về chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký cho nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án điện lớn như dự án Nghi Sơn, Vân Phong, Mông Dương, Jark Hải Dương, Janakusa… và các dự án điện quy mô nhỏ hơn thuộc phạm vi điện gió, điện tử sử dụng năng lượng mặt trời.

Nghị quyết 55 đề ra nhiệm vụ: nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Cho đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.

Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, ngành điện cần đầu tư với quy mô rất lớn.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng. 

(Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương)

Minh Hoàng